CHÚA NHẬT IV
PS:
CHÚA CHIÊN LÀNH – CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU

Vào tháng Giêng vừa qua, một
nhóm gồm 20 sinh viên từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh để chinh phục núi Bà
Đen. Tuy nhiên, chuyến leo núi của họ không thành công, cả nhóm bị lạc trên núi
khi trời tối. Họ đã phải cầu cứu đội cứu hộ đưa cả nhóm ra khỏi bóng đêm sợ hãi
của núi rừng. Nhiều người đã thắc mắc : Núi Bà là ngọn núi duy nhất nằm giữa đồng
bằng, tại sao cả nhóm không tìm được đường xuống? Sau đó, các thành viên cho biết,
chuyến leo núi của họ không thành công là do có sự chia rẽ khi một số người bị
mất sức, một số khác sợ bóng tối, sợ độ cao ; thêm vào đó, cả nhóm đã không chuẩn
bị tốt những kỹ năng cũng như đồ dùng cho hành trình leo núi. Nhưng điều hết sức
quan trọng, đó là cả nhóm đã không có được một lãnh đạo tốt để động viên tinh
thần cả nhóm cũng như để giải quyết những sự việc bất thường xảy ra.
Nếu hành trình của một
nhóm leo núi đã không thành công vì thiếu người dẫn đường, thì hành trình leo
lên núi thánh của Thiên Chúa, hành trình đức tin, càng không thể thiếu người dẫn
đường khôn ngoan, can đảm và giàu kinh nghiệm. Mừng lễ Chúa Chiên Lành, nhiều
người chỉ dừng lại ở hình ảnh một đàn chiên ngoan ngoãn ăn cỏ và người chăn dắt
chỉ là người lùa chiên, mà quên rằng, người chăn chiên còn quan trọng hơn như
thế nhiều.
Con chiên trong văn hóa và
đời sống của người Do Thái có một vị trí hết sức đặc biệt. Chiên không chỉ là
tài sản mà còn là người bạn, là con cái và là thành viên của gia đình. Có thể
người Việt không ôm con trâu, con bò, nhưng người Do Thái ôm con chiên như ngày
nay người ta ôm thú cưng. Do đó, khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh: Ta là Mục Tử tốt
lành, thì người Do Thái sẽ hiểu ngay Chúa muốn nói đến tương quan của Ngài với
mỗi người như mối thân tình của mục tử với đoàn chiên.
Chiên là loài vật hiền
lành, chúng không thể tự vệ nên thường bị các thú dữ tấn công. Chúng là loài mắt
kém, chân yếu nhưng tai rất thính. Vì mắt kém nên chúng rất dễ bị lọt xuống hố,
vướng trong bụi gai; và vì chân yếu nên chúng rất thường bị vấp té. Nhưng ngược
lại, đôi tai thính của chúng phân biệt rất rõ tiếng của đồng loại và tiếng của
người chăn. Vì vậy, người chăn chiên rất vất vả để chăm sóc cho đàn chiên của
mình, người chăn thuê sẽ không làm được như vậy. Chúa Giêsu đã nói : Tôi là Mục
Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Chúng ta là đàn chiên của
Chúa Giêsu. Giống như con chiên trong thực tế không có khả năng tự vệ, dễ bị
sói dữ tấn công, thì cũng vậy, tội lỗi đã làm cho mắt chúng ta không còn sáng
suốt để nhận ra đường đi, không đủ sáng để phân định điều tốt, điều xấu. Mắt
chúng ta bị che mờ bởi sự tham lam tiền bạc và của cải vật chất khiến chúng ta
dễ bị lạc đường. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành và khôn ngoan. Ngài nhân lành để
yêu thương, thông cảm, nâng đỡ và tha thứ; Ngài khôn ngoan để dẫn chúng ta đi
trên con đường an toàn, dẫn chúng ta đạt đến hạnh phúc nước trời. Là con chiên
yếu đuối, con người dễ bị vấp té bởi những thử thách và cám dỗ do ma quỷ và thế
gian bày ra. Vị Mục tử Giêsu đã ẵm bế, an ủi và chữa lành những vết thương
trong tâm hồn và thể xác của chúng ta.
Khác với những kẻ chăn
thuê, Chúa Giêsu là mục tử đích thực, Ngài đã hy sinh tính mạng để chiến đấu và
bảo vệ đàn chiên khỏi sói dữ là ma quỷ tấn công. Ngài đã trải qua một cuộc chiến
kinh hoàng, đã phải mang thương tích, chịu đánh đòn và bị người ta đóng đinh
trên thập giá. Trong cái nhìn của người đời, thì cuộc chiến của Chúa Giêsu đã kết
thúc với cái chết thảm bại. Nhưng trong quyền năng của Thiên Chúa, cái chết của
Chúa Giêsu như một sự nghỉ ngơi lấy sức,
sau đó, Ngài đã đạp mồ chỗi dậy để vĩnh viễn tiêu diệt thần chết, đem lại sự sống
cho nhân loại. Từ cõi chết sống lại, Mục tử Giêsu đã quy tụ đàn chiên bị tản
mác, đem lại sức sống mới cho nhân loại. Từ đây, tội lỗi được xóa bỏ, sự chết bị
đập tan và Chúa Giêsu trở thành mục tử, thành người dẫn đường đưa đàn chiên tới
sự sống hạnh phúc đời đời.
Chiên của tôi thì nghe tiếng
tôi. Đó vừa là điều kiện vừa là tiêu chuẩn để đánh giá xem chúng ta có thuộc về
đàn chiên của Chúa Giêsu hay không. Là con chiên, chúng ta cần phải có một đôi
tai thật thính để phân biệt tiếng nói của chủ với tiếng nói của kẻ lạ; để nghe
được tiếng nói của anh em khác với tiếng gầm gừ của sói dữ. Mục tử Giêsu sẽ
dùng lời để an ủi, nâng đỡ, và cũng dùng lời để hướng dẫn chúng ta đi đúng con
đường của Chúa. Bước theo sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta không sợ rơi xuống vực
thẳm, cũng không sợ đi lạc hay vấp chân vào đá. Ngài hướng dẫn chúng ta qua giới
răn lề luật của Ngài, chỉ cho chúng ta con đường khiêm nhường và khó nghèo, con
đường hẹp, là con đường an toàn nhất đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Ngài chỉ
cho chúng ta con đường Bát Phúc để đưa chúng ta đến hạnh phúc thật. Mục tử
Giêsu chỉ cho chúng ta đi theo con đường của Ngài là con đường yêu thương và phục
vụ. Đi trên con đường này, chúng ta sẽ nhận ra Chúa và nhận ra anh em bên cạnh
chúng ta.
Là con chiên có đôi tai
thính để nghe được tiếng nói của mục tử, thì đồng thời cũng phải nghe được tiếng
của những người bên cạnh. Nghe được tiếng của anh em sẽ giúp con chiên luôn đi
bên cạnh anh em mình và tránh được tình trạng xa đàn và lạc đàn. Là con chiên
trong đàn, chúng ta cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của anh em mình. Thiên
Chúa đang dùng những anh em bên cạnh để nhân danh Ngài tiếp tục hướng dẫn chúng
ta. Hãy tin tưởng và lắng nghe theo sự hướng dẫn của Giáo Hội và các chủ chăn
trong Giáo Hội. Các Ngài đang nhân danh Mục tử Giêsu và thay mặt Người để dẫn
chúng ta. Thiên Chúa cũng đang dùng những người bên cạnh để nói với chúng ta,
đó là cha mẹ, thầy cô và những người khôn ngoan. Nghe theo sự hướng dẫn của các
ngài là nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu.
Trong Sứ điệp Ngày Cầu
nguyện cho Ơn gọi sống đời tu trì, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ
và hết mọi người hãy dám bước vào một cuộc “xuất hành mới” để trở nên những con
người phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài cách quảng đại hơn. Ngài mời gọi mỗi
người hãy mạnh dạn bước theo Chúa Giêsu, đi vào hành trình của Ngài, ra khỏi
chính mình cùng với sự yên ổn, êm ấm của mình để đáp lại lời mời gọi của Thiên
chúa. Trước hết, cần ra khỏi con người cũ kỹ và tình trạng tội lỗi để bước vào
con đường sám hối và hoán cải. Bước theo con đường này, Mục tử Giêsu sẽ canh
tân, đổi mới cuộc đời chúng ta. Kế đến, là bước vào hành trình của đức tin,
theo sự dẫn dắt của Mục tử Giêsu, là dám buông mình cho tình yêu của Chúa, để
cho Chúa xếp đặt và sử dụng tuổi trẻ và khả năng của mình. Hành trình này sẽ
đưa chúng ta xa tránh những lối sống ích kỷ, khô cứng, để mang lấy một cuộc sống
quảng đại và tràn đầy tình yêu thương phục vụ. Hành trình này vẫn đang là những
thách thức cho tất cả những ai là môn đệ của Chúa Giêsu, là con chiên trong đàn
chiên của Ngài.
Đức Thánh Cha cũng thách
thức các bạn trẻ, đừng để cuộc đời mình bị cuốn trôi uổng phí, đừng chỉ tìm kiếm
tiền bạc, của cải, tiếng tăm trước mắt, cũng đừng để trái tim và tâm hồn mình
trở nên khô cứng, hẹp hòi, nhưng hãy luôn sẵn sàng và quảng đại đáp lại lời mời
gọi của Thiên Chúa. Các bạn đừng sợ bước vào cuộc xuất hành cùng với Chúa
Giêsu, Ngài sẽ giải phóng và làm cho cuộc đời chúng ta thêm tươi đẹp hơn. Thiên
Chúa không bao giờ lấy đi những gì của chúng ta, Ngài sẽ trả lại và còn trao tặng
cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp hơn.
Thiên Chúa cũng đang cậy
nhờ mỗi người đến với anh em của mình để nói với họ rằng: Thiên Chúa yêu thương
họ. Chúng ta có dám thực hiện điều Chúa cậy nhờ không? Xin Chúa cho chúng ta có
một đôi tai thật thính để lắng nghe được lời mời gọi của Mục tử Giêsu. Xin cho
mỗi chúng ta có một tâm hồn quảng đại để đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở
thành những cộng tác viên đem tình yêu thương của Chúa đến cho anh chị em. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc