THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN
THÂN NHÂN CỦA
CHÚA GIÊSU
LỜI
CHÚA: Mc 3, 31-35
(31) Mẹ và anh em Ðức Giêsu
đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. (32) Lúc ấy, đám đông đang ngồi
chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em
chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" (33) Nhưng Người đáp
lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" (34) Rồi Người rảo
mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em
tôi. (35) Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị
em tôi, là mẹ tôi."
SUY
NIỆM
Một
lần đang giảng dạy ở Caphácnaum, dân chúng kéo đến rất đông. Trong ấy có một số
người là bà con họ hàng với Chúa Giêsu. Họ đến không phải để nghe Chúa nói nhưng
vì tò mò với tin đồn Chúa đã bị mất trí và họ kéo đến để bắt Người về. Khi đi họ
còn nài ép Mẹ Maria đi theo để chứng kiến xem sự việc thực hư thế nào. Dân chúng
đến đứng vòng trong vòng ngoài đến nỗi Mẹ Maria và những người họ hàng không thể
vào bên trong được nên họ đã sai người vào mời Chúa ra. Chúa Giêsu biết thái độ
của họ đã khẳng định “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là
mẹ Ta”.
Đọc
Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy trong gia đình Nagiarét gồm có Chúa Giêsu,
thánh Giuse và Mẹ Maria. Theo huyết thống, Chúa Giêsu cũng có những người bà
con họ hàng bên ngoại như gia đình ông Giacaria. Ngoài ra còn có Giacôbê,
Giuse, Giuđa, Simon và một số người ở Nagiarét (Mc 6,3). Còn thánh Giuse thuộc dòng
dõi trâm anh, con cháu vua Đavít chắc chắn sẽ có nhiều bà con họ hàng, nhiều những
nam nhân đức độ.
Trong
đoạn đối thoại ngắn hôm nay, Chúa Giêsu xác định cho chúng ta hiểu ai sẽ được gọi
là mẹ và anh em của Chúa. Thoạt nghe, chúng ta dễ hiểu lầm Chúa Giêsu xem nhẹ mối
quan hệ máu mủ họ hàng khi hỏi “Ai là mẹ
Ta? Ai là anh em Ta?” Một lần nữa Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta vượt lên khỏi
mối quan hệ họ hàng máu mủ mà hướng chúng ta đến một mối quan hệ thiêng liêng cao
quý hơn bằng cách tuân giữ những điều Người đã giảng dạy. Từ quan hệ về thể lý,
chúng ta được mời gọi hướng đến mối quan hệ tinh thần của niềm tin sâu xa. Quan
hệ thể lý mang tính giới hạn “xa mặt cách lòng” dễ phôi pha nhạt nhòa nhưng quan
hệ thiêng liêng của niềm tin thì luôn bền chặt. Một khi chúng ta có mối thân thiết
gắn bó với Chúa, chúng ta sẽ đặt trọn niềm tin tưởng yêu mến và sẽ làm theo những
gì Người truyền dạy.
Qua
bí tích Rửa tội, chúng ta được gia nhập vào Giáo hội và được gọi là con cái Thiên
Chúa ở trong Nước Trời. Thế nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người thân của Thiên
Chúa khi sống và tuân giữ những lời Người dạy. Có lần Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa!
Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của
Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Như vậy tuân
giữ lời Chúa là điều kiện cần phải có để trở thành công dân của Nước Trời và được
trở nên anh chị em với Chúa Giêsu. Điều này quả là một thách đố đối với mỗi người
chúng ta, bởi lẽ chúng ta dễ dàng xưng mình là con cái Chúa nhưng lại không tuân
giữ những lời Người dạy.
Muốn
trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng yêu mến nồng nàn và khát khao
sống những điều Chúa dạy. Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô xác tín rằng: “Tình yêu liên kết chúng ta với Thiên Chúa đến
nỗi chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà chỉ sống cho Thiên Chúa”.
Như vậy con đường đến với Thiên Chúa phải bắt đầu bằng tình yêu và kết thúc trong
tình yêu. Ai có lòng yêu mến thực sự thì sẽ nhớ mãi lời nói của người mình yêu.
Mà tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, Người đã yêu chúng ta bằng mối tình muôn thuở;
cho dù trời đất có đổi thay, cho dù những vì sao trên bầu trời có vỡ tan thành hàng
trăm mảnh thì tình yêu nơi Thiên Chúa vẫn vuông tròn bền vững. Cho dù loài người
chúng ta có tội lỗi chất chồng, có phản nghịch đi hoang thì Thiên Chúa vẫn một mực
tín trung.
Tuân
giữ điều Chúa dạy không phải là việc dễ thực hiện bởi lẽ chúng ta thích đi tìm sự
dễ dãi nơi trần gian, thích thỏa mãn những đam mê ngông cuồng, vẫn tích chứa thói
kiêu căng tham lam ích kỷ nên chúng ta ngại ngùng không chịu buông cuộc đời mình
cho Chúa dẫn dắt và định đoạt. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài một
mực thi hành ý muốn của Cha, đón nhận chén đắng Cha trao trong sự tín thác của người
con. Noi gương Mẹ Maria, người đã lắng nghe và hằng suy niệm lời Chúa trong lòng,
chúng ta được mời gọi trở nên người thân nhân của Chúa bằng cách thực hành lời Chúa
dạy. Vì chỉ có những ai trở nên bạn hữu thân thiết với Chúa mới lắng nghe được mầu
nhiệm Nước Trời.
Xin
Chúa cho chúng ta mỗi ngày tiến sâu vào chiều kích thiêng liêng, sống gắn bó với
Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng cung cách phục vụ đầy yêu thương và khiêm tốn.
Nt
M. Anh Thư. OP