Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mua Chay

Lời
Chúa: Ga 5: 1-18
(1) Sau đó,
nhân dịp lễ của người Dothái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. (2) Tại
Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này
có năm hành lang. (3) Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại
nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, (4) vì thỉnh thoảng có thiên
thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù
mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). (5) Ở đó, có một người đau ốm
đã ba mươi tám năm. (6) Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh
sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh
không?" (7) Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, tôi không có người
đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác
xuống trước mất rồi!" (8) Ðức Giêsu bảo: "Anh hãy chỗi
dậy, vác chõng và đi!" (9) Người ấy liền được khỏi bệnh, vác
chõng và bước đi.
Hôm đó lại là ngày sabát. (10) Người Dothái mới nói
với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác
chõng!" (11) Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi
bệnh đã nói với tôi: 'Anh hãy vác chõng và đi!'" (12) Họ hỏi
anh: "Ai là người đã bảo anh: 'Vác chõng và đi'?" (13)
Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi,
vì có đám đông ở đấy. (14) Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền
Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải
khốn hơn trước!" (15) Anh ta đi nói với người Dothái: Ðức Giêsu
là người đã chữa anh khỏi bệnh. (16) Do đó, người Dothái chống đối
Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát. (17) Nhưng Ðức Giêsu
đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". (18)
Bởi vậy, người Dothái lại càng tìm cách giết Ðức Giêsu, vì không những Người
phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi
mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Suy
Niệm
Nội dung và bối cảnh bài tin mừng ngày
hôm nay dường như là bản sao, là bức tranh họa lại những gì mà sứ điệp Lời Chúa
ngày Chúa nhật vừa qua đã chuyển tải. Về nội dung, Đức Giê-su cũng chữa bệnh về
thể lý cho con người. Về bối cảnh, Đức Giê-su cứu chữa người bệnh vào ngày sa
bát. Cách thức chữa trị của Chúa làm người ta sửng sốt. Trái lại, thời điểm đấng
Me-si-a thể hiện quyền năng đã làm cho những người Pha-ri-sêu chống đối, tìm
cách bắt giết Ngài. Nếu như ánh sáng tượng trưng cho chân, thiện, mỹ thì bóng tối
lại là dấu hiệu của tà ác, muộn phiền và cái xấu. Chúa Giê-su chính là ánh sáng
soi tỏa, là nước thanh tẩy con người khỏi tình trạng tội lỗi và cái chết. Ngược
lại, thế gian tội lỗi, u mê cần được tẩy gội, thánh hóa và làm cho nên giống
Chúa.
Quả vậy, nội dung vắn tắt cuộc đời của
anh chàng theo tin mừng Gio-an hôm nay cho chúng ta biết như thế này. Số phận
và tình trạng của anh chàng què đã 38 năm ròng dường như là một, bất di bất dịch.
Anh sống đó mà như không hiện diện. Anh có mặt đó, mà mọi người không thấy anh.
Anh có hình hài mà như không được tôn trọng. Mọi người loay hoay, mọi người lo
cho riêng mình, mọi người tìm cách xuống hồ trước tiên để được cứu chữa. Còn
anh chàng què này, vì không tự di chuyển được, nên luôn chậm trễ, luôn đến sau,
thế nên anh không luôn là người bước xuống hồ trước, và coi như anh bị bỏ rơi.
Và cuộc đời anh có lẽ cứ mãi mãi như vậy, khắc khoải, âu lo, tuyệt vọng nếu như
không có sự xuất hiện của Chúa Giê-su. Ngài đến, Ngài thấy và Ngài chạnh lòng
thương. Ngài đã chữa lành cho anh. Cho anh thấy được sự sáng của lòng xót
thương. Cho anh thấy sức mạnh vô biên từ nước hằng sống. Cho anh cảm nghiệm được
sự quảng đại vô biên của Ngôi Lời nơi trần gian. Và điều quan trọng là có Chúa,
có sự hiện diện của Ngài, tin vào Ngài; trái đất và con người sẽ thay đổi và được
trở nên giống như Ngài, thành môn đệ Ngài, đồng thời được gọi mời đem tình yêu ấy
chia sẻ cho mọi người xung quanh.
Đứng trước sức mạnh của tình yêu, chứng
kiến sự quảng đại của Con Thiên Chúa, con người được gọi mời đón nhận, cộng tác
và có bổn phận rao truyền Lời Chân lý. Thế nhưng, các Pha-ri-sêu, những kinh
sư, những nhà thi hành luật, những người học cao hiểu rộng nhưng trái tim dường
như lại hẹp hòi, giới hạn. Óc thành kiến vùng miền, lối suy nghĩ địa phương và áp
dụng luật lệ cứng ngắc đã dẫn họ đến loại trừ người khác, lên án những người
không có cùng chính kiến với mình và muốn trừ khử và giết chết Đức Giê-su, chỉ
vì Ngài chữa bệnh ngày Sa-bát, chỉ vì Ngài không “giữ luật” ngày cấm kị này. Mượn
gió để bẻ măng. Nệ luật để bắt chẹt. Áp dụng luật một cách máy móc, những con
người này không những đóng kín mình trước Đấng Tình Yêu bao la mà còn ngăn cản
người khác tìm đến Đấng Khôn Ngoan vĩ đại. Gập ông lại đập lưng ông. Họ đã tự
tìm cách đào hố chôn mình trong sự kiêu ngạo và ích kỷ.
Trái lại, Chúa Giê-su với trái tim bao
la, quảng đại của một kẻ rao truyền chân lý, của một người đầy ắp tình thương.
Ngài chạnh lòng, Ngài xót thương, Ngài không bè phái, Ngài chẳng bám chấp. Ngài
ôm ấp, đón nhận tất cả mọi hạng người, kể cả người tội lỗi, Ngài muốn họ thay đổi
để được tha thứ và yêu thương. Ngài phá tan rào cản của luật lệ, của óc thành
kiến và hủ tục. Ngài dùng luật để thăng tiến và cứu giúp con người khỏi chính
những ràng buộc của nó. Cũng vậy, qua Bí tích Thanh tẩy, chúng ta mang trong
mình sứ vụ ngôn sứ. Là ngôn sứ, chúng ta được gọi mời yêu mến, đón nhận hết những
giới hạn, lỗi lầm của anh chị em mình, chúng ta được gọi mời trở thành ánh sáng
để soi sáng, trở thành nước để tẩy rửa lỗi lầm của anh chị em mình. Tuy nhiên,
với tác động của thời cuộc, với cái tôi của con người, nhiều khi chúng ta đã sử
dụng vai trò ngôn sứ sai ý nghĩa và không đúng lúc. Sai ý nghĩa khi chúng ta
không nhắm đến tâm hồn con người, mà chúng ta dễ dàng xét nét bề ngoài. Không
đúng lúc khi chúng ta thể hiện quyền uy, danh dự cá nhân chứ chúng ta không xót
thương, đón nhận những kẻ thân cô thế cô.
Lạy Chúa Giê-su, như Chúa đã chạnh lòng
thương người què bên bờ giếng 38 năm, Chúa cũng thương chúng con ngần ấy như vậy.
Những què quặt trong lối suy nghĩ, những què quặt trong cách cư xử với anh chị
em, những què quặt chai lì trong đời sống nội tâm đã làm cho chúng con xa cách
Chúa và không đến được với anh chị em mình. Mùa chay là cơ hội để chúng con hồi
tâm, quay về với Chúa. Xin Chúa cho chúng con có trái tim bao la của Chúa. Xin
Chúa cho chúng con có tâm hồn bao dung của Chúa và xin Chúa cho chúng con có
hành động vị tha như Chúa để chúng con dễ dàng đến với anh chị em trong mọi
hoàn cảnh và thời gian. Amen.
Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc