Suy Niệm Lời Chúa Thứ 6 Tuần III Phục Sinh
BÁNH
BAN SỰ SỐNG

Lời Chúa: Ga 6, 52-59
(52) Người
Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho
chúng ta ăn thịt ông ta được?" (53) Ðức Giêsu nói với họ:
"Thật, tôi bảo thật các ông:
nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,
các ông không có sự sống nơi mình.
(54) Ai ăn thịt
và uống máu tôi,
thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại
vào ngày sau hết,
(55) vì thịt tôi
thật là của ăn,
và máu tôi thật là của uống.
(56) Ai ăn thịt
và uống máu tôi,
thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy.
(57) Như Chúa
Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi,
và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi
mà được sống như vậy.
(58) Ðây là bánh
từ trời xuống,
không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn,
và họ đã chết.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời".
(59) Ðó là những
điều Ðức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.
Suy Niệm:
Diễn từ về Bánh Hằng sống được đặt trong bối cảnh
của Mùa Phục sinh nhắc ta nhớ về sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh và Ngài
vẫn luôn ở cùng chúng ta khi trao ban chính thịt máu của Ngài. Hàng ngày, chúng
ta được đón rước Ngài, được ở với Ngài khi tham dự Thánh Lễ và đón nhận Ngài
dưới hình bánh rượu.
Chúa Giêsu xuống trần gian để thông ban sự sống
thần linh cho chúng ta bằng chính thịt và máu thánh của Người. Sự sống ấy sẽ
trở nên sung mãn khi chúng ta mở lòng đón nhận Mình Máu Thánh Chúa hàng ngày
trong cuộc đời chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và
tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và
máu tôi thật là của uống”. Với một đức tin kiên vững và niềm tin son sắt chúng
ta tin tưởng vào sự sống lại trong ngày sau hết khi chúng ta từ biệt cõi đời
này. Tuy nhiên trong khi mong đợi ngày đó, cái chết của những người thân yêu
nhắc nhớ chúng ta rằng: Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Người thông
ban sự sống của Người cho Chúa Con: "Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai
tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha" (Ga 6, 57).
Đức Kitô muốn ở lại với con người nên Ngài ban
chính thân thể và máu của Ngài cho con người và Ngài khẳng định: “Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Khi người ta
yêu nhau, người ta không muốn xa nhau, muốn ở với nhau, không rời nhau. Ở lại
với nhau là khao khát muốn sống cùng nhau. Chúa Giêsu yêu thương con người, nên
Ngài muốn sống gần với con người, muốn “ở lại” với con người và Ngài đã âm thầm
ở lại trong Bí tích Thánh Thể. Ngài nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng nơi con
người bằng chính máu thịt của Ngài để con người
được lớn lên trong ân sủng. Ngài trao ban chính mình Ngài cho nhân loại
và mong muốn con người kết hợp với Ngài để Ngài thông ban sự sống thần linh cho
con người. Được Chúa ở cùng là một hạnh phúc lớn lao không gì có thể sánh được.
Hạnh phúc đó chính là ta được Chúa yêu thương nên khi ta được ở lại với Chúa
chính là lúc ta được Chúa yêu thương. Thật vậy: “Ai sống trong yêu thương là
đang sống trong sự sống thật mà Chúa Giêsu chuộc lấy bằng cái chết của Ngài”.
Giá trị cao quý tuyệt đối của cuộc đời chúng ta
chính là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đó đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu sa
với Đức Kitô khi chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Người bằng việc ăn
và uống máu Người. Sự hiệp thông đó giúp chúng ta thông hiệp với Chúa và với
anh em và sự thông hiệp này làm nên giá trị và hạnh phúc thực sự cho cuộc đời
mỗi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa ta được mời gọi tuân giữ giới răn, chu toàn bổn
phận được trao và nhiệt tâm sống theo thánh ý Thiên Chúa. Có yêu mến Chúa, ta
mới có thể yêu mến tha nhân vì khi đó ta sẽ đi vào hiệp thông với Chúa. Chính
tình yêu làm nên phẩm giá, niềm vui và hạnh phúc cho ta, cũng chính tình yêu
xây đắp gia đình thành tổ ấm. Yêu thương vừa là một bổn phận, vừa là một hồng
ân. Cái nghèo nàn, khốn cùng nhất nơi con người là mất đi khả năng yêu thương
này.
Ước gì mỗi ngày chúng ta đều khao khát lãnh nhận
Bí tích Thánh Thể làm của ăn thần lương nuôi sống mỗi người chúng ta để ta được
ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong chúng ta.
Nt. Maria Phương Trâm, Dòng Nữ Đa Minh Phú Cường.