Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 31

CHỦ NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

409186_325712224135321_1436936097_n.jpgQua suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã giúp Israel đã khám phá Tình Yêu: yêu Thiên Chúa độc nhất và yêu tha nhân. Nhưng thói quen đã làm cho Luật ấy trở nên tầm thường. Vì thế cần phải tái khám phá đặc tính phi thường của mạc khải ấy và điều chỉnh lại đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta theo Tình yêu, giới răn nền tảng cho mọi giới răn khác.

Sách Đệ nhị luật:

Chúa Thiên Chúa chúng ta là đấng Độc nhất. Trong thời buổi đa nguyên, các giá trị tuyệt vời nhất đối với người ki tô hữu là: TÌNH YÊU Thiên Chúa độc nhất, và TÌNH YÊU tha nhân không phân biệt nòi giống hay màu da. Quyển Sách nầy đựoc mặc khải cho ông Mô sẽ là nền tảng cho mọi Lề luật.

Thánh vịnh 118 :

Thánh vịnh ca ngợi vẻ đẹp và sự cao cả của Lề luật. Đoản khúc mà hôm nay chúng ta đọc đem lại cho tâm hồn sự bình an và êm ái dường nào! Lời Chúa là ánh sáng dẫn bước chúng ta đi và đèn soi đường chúng ta.

Thư Do Thái :

Trong đoạn nầy, tác giả so sánh Hi tế độc nhất của Đức Ki tô với hi tế tái diễn nhiều lần của các tư tế Cựu Ước. Vì sự lặp đi lặp lại gắn liền với sự yếu đuối, sự chết, chức tư tế bị giới hạn trong một thời gian qua đi. Phép Rửa ban cho chúng ta chức tư tế, là thông phần vào Chức Tư Tế của Đức Ki tô, là sự hoàn thiện của Tình yêu Ngài được xác quyết một lần cho tất cả trên thập giá đồi Can vê.

Tin mừng: Mc 12,38b-34

NGỮ CẢNH

Hành vi quyền năng của Chúa Giê su trong đền thờ đã gây nên sự thù hằn nơi các thầy cả và luật sĩ (11,18). Giờ đây Chúa Giê su đối đầu trực tiếp với họ trong một loạt các cuộc tranh luận giống như phân đoạn đầu sách tin mừng (2,1-3,6).

Tổng hợp các đòi hỏi luân lí trong điều răn yêu thương là đỉnh cao trong giáo huấn thực hành của Tin mừng. Sách Tin mừng Mác cô đặt giáo huấn ấy trong NGỮ CẢNH một cuộc đối thoại thân hữu giữa Chúa Giê su và một kinh sư do thái. Trái lại Mát thêu thì lại đặt trong một NGỮ CẢNH tranh luận gay gắt hơn, có lẽ phản ánh môi trường của ông. Do đó, truyền thống Mác cô dường như trung thực gần gủi với hoàn cảnh thực thời Chúa Giê su hơn khi cho thấy vị kinh sư nầy có cảm tình với giáo huấn của Ngài.

TÌM HIỂU

Một người trong các kinh sư; trong Tin Mừng Mt thì sau khi nghe biết Chúa Giê su đã khoá miệng bè Sa đốc, nhóm Biệt phái tụ họp lại và cử một người trong nhóm tìm cách đặt một câu hỏi bắt bí Ngài (Mt 22.34-35). Còn trong Mác cô thì ngược lại, người Biệt phái giàu có nầy đến chất vấn Chúa Giê su không phải vì bị thúc đẩy bởi sự cuồng tín của phe nhóm mình cho bằng quan tâm đến giáo thuyết mà Ngài rao giảng. Chính ông ta tỏ ra thiện cảm với Chúa Giê su: “Phải lắm thưa Thầy, Thầy đã nói rất thật” (c .32). Và Chúa Giê su cũng có nhận xét rất tích cực về ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (c. 34).

Trong mọi điều răn: người Biệt phái phân biệt tới 613 điều trong Lề Luật Do Thái  gồm 365 điều phải giữ và 248 điều phải tránh. Việc tìm kiếm một điều răn quan trọng nhất luôn luôn là vấn đề thời sự của mọi người tín hữu Do thái thời Chúa Giê su. Thật vậy, tất cả đều nghiêm túc tìm cách thực thi thánh ý Thiên Chúa, được diễn tả trong Lề luật hay Bộ Torah.

Điều răn đứng đầu: trong Mt 22,35 thì người Biệt phái hỏi: “Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật”, ấy là vì Mt thích kiểu nói đặc thù Sêmít: “lớn-nhỏ”. Còn trong Mc thì câu hỏi lại là: “Điều răn nào đứng đầu”, có tính cách phổ quát hơn đối với người dân ngoại. Đâu là giới răn “thứ nhất”, trước tiên, ưu tiên tóm gọn mọi điều mà người tín hữu có bổn phận phải tuân hành. Do đó, giới răn yêu thương có một giá trị “ưu việt” so với các mọi điều răn còn lại.

Hãy nghe đây, hỡi Ít ra en: đây là câu khởi đầu kinh Shema mà người Do Thái đọc mỗi ngày để nhắc nhớ mình về các bổn phận đối với Thiên Chúa. Điều răn yêu thương Thiên Chúa (Đnl 6,5) và điều răn yêu thương tha nhân (Lv 19,18) nằm trong hai đoạn Kinh Thánh khác nhau được nối kết lại và tạo thành cốt lõi của Lề luật.

Yêu mến Đức Chúa..: câu Đnl 6,4 là câu tuyên tín độc thần của Do Thái giáo: chỉ có một Thiên Chúa độc nhất. “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa”: đây là chỗ hiếm hoi trong Cựu Ước nói về việc yêu mến Thiên Chúa. Thật vậy, CƯ thường đề cập đến sự sợ hãi hơn là yêu mến Thiên Chúa (Xh 1,21; Lv19,14.32; Gs 4,24; 1V18,12..) và ngay trong sách Đệ Nhị Luật (4.10; 6,24;14,23..). Còn trong các Thánh Vịnh, kiểu nói “kính sợ Thiên Chúa” chỉ kẻ trung thành với Chúa (22,24; 115,11). Theo đó Thiên Chúa là ông Chủ và con người là tôi tớ. Giáo huấn trong Đnl 6,5 thì ngược hẳn lại, nói đến lòng yêu mến Thiên Chúa, cô động thành quả công trình suy tư sâu xa của các Tiên Tri về điểm nầy. Chẳng hạn Tiên tri Hôsê, ông cảm nhận sâu xa rằng không một tình cảm nào có sức lôi cuốn và mạnh mẽ bằng tình yêu vợ chồng, và theo ông, Thiên Chúa không đòi nơi Israel điều gì khác ngoài việc đáp trả bằng một tình yêu chung thuỷ như thế. Do vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa hệ tại ở việc “gắn bó”, “khăng khít” với Ngài. Yêu mến Thiên Chúa chính là kết hợp mật thiết với Người, đến nỗi chỉ còn là “một” với Người mà thôi (x.Ga 17,21 tt).

Yêu người thân cận: đối với người Do Thái, người lân cận không phải là người ở gần ta, mà chính là mọi phần tử thuộc về một dân Israel, thuộc đồng bào ta. Nhưng ai là người thân cận với tôi? Câu hỏi nầy được Chúa Giê su trả lời: Anh hãy trở nên người gần gủi, người tiếp cận với hết mọi người mà anh thấy đang có nhu cầu cần được giúp đỡ.

Như chính mình: nghĩa là phải đối xử kẻ khác với cùng một tình yêu như đối xử với chính mình. Tình yêu đích thực không khác tình yêu vợ chồng, (x St 2,23-24; 2Sm 1,26) biến đồng loại thành “một nửa của hồn tôi”, hội nhập người ấy vào con người của tôi đến độ cả hai trở thành một.

Lễ toàn thiêu: nhắc ta nhớ đến câu nói được ghi lại trong Hôsê: “Ta muốn lòng yêu thương chứ không phải là hy lễ”.

SỨ ĐIỆP

Đâu là điều răn thứ nhất, đứng đầu mọi điều răn khác? Đề hiểu tại sao có câu hỏi ấy, cần phải nhớ rằng Do thái giáo đã hình thành một hệ thống lề luật với 613 giới răn, 365 luật cấm và 248 luật buộc. Đối với người Do thái, trung thành đến từng chi tiết nhỏ nhất là cách nói lên tình yêu của mình đối với Thiên Chúa. Nhưng trong tất cả các giới răn đó, cũng có giới răn ưu tiên. Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao kinh sư muốn biết đâu là giới răn thứ nhất.

Câu trả lời của Chúa Giê su rõ rảng và bao quát tất cả cuộc sống: “Hãy nghe đây.. Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết tâm hồn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức người. Ngươi hãy yêu thương người lân cận như chính mình ngươi”. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận được liên kết chặt chẻ như là một điều răn duy nhất. Thánh Au-gu-ti-nô nói với chúng ta rằng tình yêu ấy phải là đối tượng của tư tưởng, suy niệm, kí ức, mọi hành vi và nỗ lực của chúng ta, và phải được thực hiện mỗi ngày trong suốt đời sống. Hai điều răn ấy tóm kết mọi lề luật. Đó là điều cốt yếu của Ki tô giáo và Do thái giáo.

Yêu mến Thiên Chúa, và dành cho giới răn đó chỗ nhất trong đời sống chúng ta. Tình yêu ấy phải hoàn toàn chi phối chúng ta. Nhưng điều không bao giờ quên đó là Ngài yêu thương chúng ta trước. Ngài đi bước trước đến với chúng ta. Trọn tin mừng là một chứng từ cho thấy Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta dù chúng ta có yếu đuối và bất trung đến mấy đi nữa. Thật vậy, chúng ta đều biết rằng khả năng yêu thương của chúng ta bị tổn thương. Nhưng giới răn ấy sẽ giúp chúng ta trở lại con đường thật. Bất cứ lúc nào chúng ta nhận ra mình phản bội tình yêu ấy, chúng ta cũng có thể trở về với Chúa, xin lỗi Ngài và cầu xin Ngài cứu giúp. Ngài luôn hiện diện để nâng chúng ta lên và giúp chúng ta tiếp tục con đường.

Một câu hỏi được đặt ra: Làm sao yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thấy được? Bài đọc thứ nhất trả lời chúng ta: nó mời gọi chúng ta lựa chọn Ngài bằng cách nhận rằng Ngài là “Chúa duy nhất”. Chúng ta phải yêu mến Ngài hơn tất cả những thần tượng như tiền bạc, giàu sang và tất mọi thứ khác thường có nguy cơ vượt trước Ngài. Yêu thương Thiên Chúa còn là học yêu thương vì chính Ngài chứ không vì những ơn Ngài ban cho chúng ta. Đó là phụng sự Ngài chứ không lợi dụng Ngài.

Một điều khác cũng quan trọng không kém đó là sự kiên trì. Yêu thương trong một vài ngày thì có thể, nhưng yêu thương trong suốt cuộc sống là cả một vấn đề, rồi còn có những thử thách, tang chế, bệnh tật, thất bại của cuộc sống, hoàn cảnh không mang hứa hẹn điều gì. Thỉnh thoảng người ta muốn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và khước từ Ngài. Lòng trung thành đòi phải chiến đấu hằng ngày. Vì thế, Thánh Phao lô khuyên chúng ta đừng nản lòng: “Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa ở trong Đức Giê su Ki tô Chúa chúng ta”. Tình yêu của Ngài muôn đời vẫn thế dù cho chúng ta có ra sao đi nữa. Điều nguy hiểm nhất là nghi ngờ tình yêu đó.

Yêu thương tha nhân là hệ luận của tình yêu đối với Thiên Chúa. Trước tiên, chúng ta phải hiểu tha nhân là gì. Đó là người mà chúng ta đến gần, người mà chúng ta dành thời giờ gặp gỡ và lắng nghe. Rất gần chúng ta có những người có thể đang gặp hoàn cảnh khốn cùng. Nhiều khi chúng ta đi sát bên họ nhưng không nhận ra Ngài. Một người ki tô hữu chỉ có thể yêu thương người khác khi nghĩ rằng tất cả mọi người đều là con của cùng một Cha, là anh em trong Chúa Giẻ-su Ki-tô. Chính trong những tương quan với anh em mình mà mỗi người chúng ta mới có thể phát triển đúng chiều kích. Và cũng nhờ đó mà chúng ta có thể làm giàu bằng chính sự giàu có của họ.

Trước những thảm cảnh thiếu vắng tình yêu thương, Tin mừng luôn có đó để đưa chúng ta trở về trung tâm đức tin. Tình yêu chân chính bắt nguồn từ Thiên Chúa và để là tình yêu đích thật, cần phải có sự hổ tương, cần phải có sự đáp trả về phía chúng ta. Giống như đôi bạn trong hôn nhân. Người nầy chờ đợi chứng tích tình yêu của người kia, hay một điều gì đó hối thúc họ dấn thân hoàn toàn. Thiên Chúa không ngừng đi bước trước về phía chúng ta. Nhưng sẽ không có gì xảy ra nều chúng ta không bước đáp trả cho Ngài.

Yêu thương chính là mở cửa cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Là đặt ở đó một chốt chận để cửa không bao giờ đóng sầm lại. Cuộc chiến khó khăn nhất chính là chống lại cám dỗ đóng lại cánh cửa đã mở ra. Vì rất đơn giản và dễ dàng hơn, nhưng đó lại là khởi đầu cho sự chết. Yêu thương là lắng nghe người khác, là tiếp nhận lời họ, cả khi đó là những lời nói vụng về: là hiện diện để người ấy cảm thấy không cô đơn, dù nhiều khi chúng ta không thể đáp lại lời kêu gọi của họ.

Một điểm cuối cùng: nếu chúng ta muốn học yêu thương theo cách của Thiên Chúa, thì phải hướng về Ngài. Chúng ta cần phải không ngừng kín múc tại nguồn tình yêu trong đó chúng ta đã được dìm vào trong phép Rửa. Chúng ta phó thác tất cả những người chúng ta yêu mến, tất cả những người mà chúng ta chưa yêu mến đủ. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng là một cách yêu thương họ hơn nữa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta mỗi ngày yêu thương như Ngài và cùng với Ngài.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về điều gì?

THƯA: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Đệ nhị luật, gồm những lời truyền dậy của ông Mô-sê dành cho con cái Ít-ra-en vừa mới được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và đang trong hành trình vào Đất Hứa. Để diễn tả hết tấm lòng và mối tương quan của mình với Thiên Chúa Tạo Dựng và Cứu Độ, Dân Chúa phải kính sợ và thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn.   

2. HỎI: Đâu là những chi tiết phân biệt vị kinh sư này với những thầy khác?

THƯA: Có hai chi tiết: 1 là ông không có thái độ thù địch đối với Chúa Giêsu và 2 là được Ngài khen ngợi. Thánh Mác cô làm nổi bật thái độ chân thành ao ước tìm hiểu của ông, tìm hiểu chân lí chứ không tìm cách tranh luận với Chúa Giê su.

3. HỎI: Tại sao vị kinh sư đặt câu hỏi ấy với Chúa Giêsu, có phải tại vì không có thống nhất về “điều răn thứ nhất” chăng?

THƯA: Đúng thế. Đây là một câu hỏi cổ điển. Từ xưa, các bậc thầy nổi tiếng của Israel đã có ý kiến ​​khác nhau về điều răn lớn nhất, trong số 613 giới luật của Luật của Cựu Ước (Đnl 6,4-5, Lv 19,18). Thí dụ, Thầy Hillel cho rằng điều răn lớn nhất là: “Những gì bạn ghê tởm với chính mình thì đừng làm cho người hàng xóm của bạn. Đây là luật thứ nhất. Phần còn lại chỉ là giải thích mà thôi ... ".

4. HỎI: Khi trả lời về điều răn quan trọng nhất, Chúa Giê-su trích dẫn một điều đã được qui định trong Cựu Ước ?

THƯA: Đúng thế. Ngài trích dẫn sách Đệ nhị luật 6,4-5: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.  Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ”. Đó là kinh Shema, kinh tuyên xưng đức tin mà người Do Thái đạo đức đọc hai lần mỗi ngày, để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất.

5. HỎI: Chúa Giêsu muốn nói gì khi phân biệt: Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực trong tình yêu Thiên Chúa?

THƯA: Chắc chắn Ngài không muốn đề cập đến các phần khác nhau nơi con người hoặc sức mạnh của nó, nhưng dùng cách nói đó để nhấn mạnh sự kiện là phải yêu mến Chúa toàn bộ con người với tất cả các nguồn lực sẵn có.

6. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu thêm vào điều răn thứ hai, có lẽ để phù hợp hoặc hợp nhất hai điều răn thành một?

THƯA: Không, Chúa Giêsu không có ý định kết hợp hai giới răn vào một và càng không đặt hai giới răn trên cùng một mức độ ngang nhau (x. Lc 10,27). Điều răn thứ hai là một trích dẫn từ Lv 19,18: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình ngươi”, và được kết nối với giới răn đầu tiên bằng từ tình yêu. Vì hiểu rõ trái tim con người, giới hạn cũng như tiềm năng của nó, nên Ngài muốn rằng cần phải lấy tình yêu bản thân làm thước đo tình yêu người khác.

7. HỎI: Đối với Chúa Giêsu tình yêu tha nhân phải như thế nào?

THƯA: Đối với Chúa Giê su, tình yêu không phải là hoạt động từ thiện, cũng không đơn giản là tình đoàn kết với những người khác, hay chỉ công nhận phẩm giá của những người khác, nhưng một phần mở rộng của tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu tha nhân được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, có tính phổ quát (không chỉ với hàng xóm hoặc người đồng hương), không được dừng lại cảm giác hoặc từ ngữ bên ngoài, nhưng phải dẫn đến hành động (xem dụ ngôn người Samari nhân hậu Lc 10,25-37), và được đặt trên các giới luật quan trọng khác, như luật cắt bì và luật nghỉ ngày Sa-bát.

8. HỎI: Khi nói: “Không có điều răn khác lớn hơn hai điều răn ấy” Chúa Giê-su muốn chuẩn nhận sự ưu việt của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân trên giới răn khác?

THƯA: Đúng, và lời nói của Ngài là một đòn giáng mạnh vào tinh thần vị luật của những người Pha ri sêu đôi khi nhấn mạnh thái quá tình yêu Thiên Chúa đến nỗi bỏ quên tình yêu tha nhân, và bị Chúa Giê su gọi là đạo đức giả (luật nghỉ ngày Sa bát; x. Lc 13,15).

 9. HỎI: Tất cả đều đã được ghi trong Lề Luật, vậy thì điều mới mẻ mà Chúa Giê su mang lại là gì?

THƯA: Điều mới mẻ mà Chúa Giê đã thực hiện là Ngài đã hoàn thành những điều đã được ghi chép trong Lề luật. Thật vậy, Ngài dạy cho chúng ta biết người lân cận không còn là người ở gần, mà tất cả mọi người đang cần chúng ta đến gần và phục vụ. Kế đến, Ngài đã sống nơi bản thân hai điều răn yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách tuyệt vời. Và cuối cùng Ngài ban Thánh Thần của Ngài để chúng ta có thể thực hiện hai điều răn ấy (Ga 13,35).

10. HỎI: Có phải thầy kinh sư lên án hệ thống tế lễ khi nói: “Hơn tất cả các lễ toàn thiêu và hy sinh” không?

THƯA: Không, sự so sánh của kinh sư chỉ vang vọng lại những gì mà tiên tri  Hôsê đã nói: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hi lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu” (6,6; x.1 Sm 15,22). Ông không lên án hệ thống tế lễ, nhưng tán đồng khẳng đinh của Chúa Giêsu, đặt tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là những nguyên tắc căn bản ở trên hệ thống ấy.

11. HỎI: Chúa Giêsu có ý gì khi nói với người kinh sư: “Bạn không còn xa vương quốc Thiên Chúa nữa”?

THƯA: Ở đây, khi ám chỉ đến Nước Trời, Chúa Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa là một chiều kích không gian có thể tiếp cận ngay lập tức chứ không còn là một thực tế xa xôi nữa. Sự hiểu biết đúng đắn của người kinh sư về những gì quan trọng trong Lề luật Cựu Ước, đặt anh ta gần Nước Trời đã hiện diện trong Chúa Kitô.

12. HỎI: Như thế, Chúa Giê su đã định nghĩa Nước Trời như thế nào?

THƯA: Ngài vừa dạy cho Kinh sư định nghĩa thật đẹp về Nước Trời: đó là nơi mà tình yêu lên ngôi, và tình yêu đối với Thiên Chúa nuôi dưỡng tình yêu tha nhân.

VIỆC LÀM CỦA ĐỨC TIN LÀ ĐỨC ÁI

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trong Do Thái giáo có tất cả 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi đến việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế trong đầu óc một tín hữu Do Thái giáo luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào là quan trọng nhất?

Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay.Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường.

Ðạo Do Thái dựa trên 10 điều răn. Trải qua các thế hệ, họ chú giải thêm thành 613 luật. Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Họ không đồng ý với nhau về điều luật nào trọng nhất, nên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, có một luật sĩ đã đến hỏi Chúa Giêsu: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?". Người đáp: "Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn giới răn thứ hai: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mc 12,30-31). Giới răn thứ nhất trích trong sách Ðệ Nhị luật 6, 5. Giới răn thứ hai rút trong sách Thứ luật 19,18. Như vậy Chúa Giêsu đã nâng luật yêu người ngang với luật mến Chúa. Người đã kết hợp thành một luật duy nhất: "Mến Chúa yêu người".

1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.

Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái.

Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.

Còn chúng ta, điều gì quan trọng nhất ?

Có người cho đó là tiền: có tiền mua tiên cũng được. Mọi người đều cần tiền. Đồng tiền ảnh hưởng trên mọi sinh hoạt, chi phối mọi sinh hoạt, thậm chí còn là mục đích của mọi sinh hoạt. Điều quan trọng hơn cả là làm sao kiếm được nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Tiền bạc là thước đo sự thành công ở đời.

Có người cho đó là địa vị: làm thế nào để có chỗ đứng trong xã hội, được người khác kính trọng, phục tùng.

Người khác cho đó là tình yêu: chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hạnh phúc. Đối với đôi nam nữ đang yêu thì tình yêu là quan trọng nhất.

Nhiều người cho đó là học vấn: đối với học sinh hay sinh viên, đỗ đạt là quan trọng nhất.

Đối với phần đông những người trưởng thành, thì điều quan trọng là vợ con, là gia đình, là nghề nghiệp, là nơi ăn chốn ở.

Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.

Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.

Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.

Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.

Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.

2. Yêu tha nhân như chính mình.

Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); ” Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1 Ga 2, 9 ).

Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.

Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).

3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.

Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.

Trong Tông thư “Cánh Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết:  Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở : "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng lớn hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Và Thánh Giacôbê Tông Đồ, với những lời càng mạnh hơn nữa, luôn thúc đẩy các tín hữu Kitô, quả quyết rằng : "Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì ? Đức tin ấy có thể cứu họ được không ? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói : "Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no" nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì ? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói : "Anh có đức tin và tôi có việc làm; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi" (Gc 2,14-18).

Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1). (Porta Fidei, Số 14).

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).

Năm Đức Tin sống Đức Ái, chúng ta cùng chung tay với Chúa Giêsu thực hiện Năm Hồng Ân của Thiên Chúa (Lc 4,19).

CON ĐƯỜNG LÊN TRỜI

Lm Paul NGUYỄN NGUYÊN

“Mến Chúa, yêu người” là hai điều răn không xa lạ gì với đạo công giáo chúng ta. Thế nhưng, trong đạo Do thái, giữa một bộ luật dầy cộm, gồm 613 điều trong đó có 248 điều buộc (không làm không được) và 365 điều cấm (không được làm) thì một người Do thái bình thường cũng khó trả lời câu hỏi: giới răn nào trọng nhất? Rồi cùng với ách thống trị của người Roma, Luật trở thành cái gông thứ hai đè lên cổ người dân, biến họ thành những cỗ máy giữ Luật, trong nỗi cơ cùng, hoang mang và sợ hãi. Chính trong bối cảnh đó, một luật sĩ đã đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong các giới răn, đâu là giới răn trọng nhất”. Đáp lời ông ta, Chúa Giêsu đã đưa ra một giới răn duy nhất, với một chữ duy nhất là chữ Yêu: “Yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn và hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi”. Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn đưa con người trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa: Lề Luật không phải gánh nặng khổ cực, nhưng được ban tặng để con người được sống và sống thật hạnh phúc. Ngài cũng muốn xác định: Không phải chỉ việc làm cho Chúa, mà cả việc làm cho tha nhân cũng được kể là yêu mến Chúa. Nói cách khác, chỉ khi học biết yêu thương người đồng loại thật lòng, con người mới có thể thực sự yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa.

Đây quả thật là một thách đố đối với mỗi người chúng ta, thực tế cho thấy, với bản tính con người, yêu mến Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, điều đó không phải là chuyện dễ dàng gì, bởi vì sống ở trần gian là chúng ta bị trói buộc vào những sự vật và những con người trong cuộc sống này, cùng với những bon chen của cuộc sống, áp lực của đam mê và nhu cầu về hưởng thụ, nên càng lúc Thiên Chúa càng mất dần chỗ đứng trong trái tim ta, trong cuộc sống ta, và nếu có chỗ thì Ngài cũng chỉ được xếp vào hạng cuối cùng trong những bậc thang giá trị của cuộc sống ở đời mà thôi. Bằng chứng là có khi chỉ vì một người bạn, một bữa nhậu, một cuộc đi chơi, một công việc, một đam mê, hay một danh dự hảo huyền ở trần gian… cũng khiến chúng ta coi việc thờ phượng Chúa là thứ yếu, sẳn sàng bỏ cả lễ ngày Chúa nhật, sẵn sàng vi phạm lề luật của Thiên Chúa mà không chút áy náy lương tâm. Mến Chúa đã khó, yêu người lại càng khó hơn. Vì người ta đâu phải ai cũng dễ mến, dễ thương mà trái lại có rất nhiều người dễ ghét và đáng ghét. Cùng với đầy những khuyết điểm, tật xấu thậm chí còn tệ bạc, và có những thái độ không tốt với ta mà bắt ta yêu mến thì điều đó lại càng không dễ dàng hơn chút nào, nếu không dám nói là bất khả thi hành. Mà đúng như vậy, làm sao tôi có thể thương được người hàng xóm hay đưa điều đặt chuyện để nói xấu tôi? Làm sao tôi có thể thương được ông chồng vô trách nhiệm, đã nhiều lần phụ bạc tôi? Làm sao thương được thằng con rể trời đánh chuyên ăn nói xấc xược, hành hạ vợ con? hay đứa con dâu hổn láo dám cãi tay đôi với tôi? Hay bà mẹ chồng luôn cau có đối xử cay nghiệt với tôi? Thương cả người chống đối, phá hoại cộng đồng tôi ư? …Không..không thể nào làm được khó lắm…Phải..khó lắm, nhưng đó lại là con đường duy nhất làm cho chúng ta “không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu”.

Vậy ước gì qua lời Chúa hôm nay, trong năm sống đức tin, đây là cơ hội để mỗi người Kitô hữu chúng ta rà soát lại lối sống đức tin của mình, cùng nhìn lại và cùng nhau sửa đổi cung cách sống đức tin. Nhìn lại để thấy được yếu tố chính yếu làm nên chất Kytô và việc phụng tự đẹp lòng Thiên Chúa, không chỉ là những cử hành phụng tự trong thánh đường của giáo xứ, là việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích mà còn là những cử hành bằng bác ái yêu thương, khởi đi từ những ngôi đền thánh trong gia đình, trong khu xóm của chính chúng ta. Bởi giới luật yêu thương của Chúa không phải là những đề tài để suy niệm hay giảng thuyết, mà chính là những hạt mầm cần được ươm gieo, lớn lên trong tâm hồn và trổ sinh bông hạt trong đời thường của cuộc sống, đó là những hạt mầm quyết định cho phẩm chất của người tín hữu Kytô. Cho nên, hãy bắt đầu thực hiện giới răn yêu thương ngay từ chính gia đình của mình, với những người thân, với hàng xóm láng giềng ; hãy sửa lại những lời nói, những thái độ đối với mẹ với cha, với vợ với chồng, hãy sẵn lòng tha thứ và bỏ qua những bất hòa người khác gây cho mình. Và như vậy, chúng ta sẽ không chỉ được xứng danh là môn đệ Chúa, mà còn mang lấy phẩm giá cao quí là Con Thiên Chúa nhờ đã biết sống yêu thương vì: “Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa”. Amen.

TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC NƯỚC TRỜI

Lm. Đan Vinh

 HỌC LỜI Chúa

1. LỜI CHÚA:

(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên (2). Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

2. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.

Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su đều phải có, được gọi là Tám Mối Phúc Thật. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: +Đoàn lũ đông đảo: Gồm các Tông Đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính cách phổ quát của sứ điệp của Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói hay được dùng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su sử dụng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ... sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai..., còn Lu-ca (6,20-26) thì viết: Phúc cho anh em... + Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ của người khiêm tốn, hóa nên như trẻ em (x. Mt 18,1-11). Tinh thần nghèo khó cũng đồng nghĩa với sự siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải vật chất để trở thành môn đệ Chúa và được vào Nước Trời do Chúa thiết lập (x. Mt 6,19-21). Đức Giê-su không coi nghèo khó là điều tốt, vì nghèo thường đi đôi với dốt nát, thất bại và bất hạnh. Người dạy môn đệ không được tham lam tiền của bất chính và không cậy dựa vào thế lực của tiền tài, phải coi đồng tiền là đầy tớ thay vì là ông ông chủ của mình. Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su nói: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vìu Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Đức Giê-su không mị dân chúc lành cho sự nghèo khó. Người muốn tái lập một trật tự mới công bình: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).

- C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với sự nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong đợi ơn cứu rỗi như lời ông Si-mê-on (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Họ sẽ được Thiên Chúa an ủi và ban ơn tha thứ trong giờ phán xét sau này.

- C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước Trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa như lời tuyên sấm của ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri nhân hậu đã giúp đỡ kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “Hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch hết mình phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch không những nói về đức khiết tịnh, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được về trời gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).

- C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Cần hòa giải những tranh chấp, để của lễ dâng lên Chúa xứng đáng được chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Ai yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!” (1 Pr 3,14).

- C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, sẽ được nên giống Chúa và sau này được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người

HỎI: 1-Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trơi do Chúa Giê-su thiết lập. Trong đó, mối phúc nào là quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác? 2-So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca khác nhau thế nào? Phải chăng Đức Giê-su đề cao sự nghèo khó, thường là nguyên nhân gây ra tội lỗi như người đời thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”? 3-Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn? 4-Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì Thầy?

SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

2. CÂU CHUYỆN: GƯƠNG SỐNG NGHÈO KHÓ:

PHAN-XI-CÔ THÀNH AT-SI (Phanxico Assise) là con một người giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ, tình cờ nghe một vị linh mục gảng một bài về Tám Mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát và từ bỏ để hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha làm ông nổi giận. Ông đã đến thu hồi tất cả những gì còn lại và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay trắng. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các đường phố và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Người. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người đến xin gia nhập và trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh được Hội Thánh phong hiển thánh tức là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

3. SUY NIỆM:

1) HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc nhất như vừa thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được xuất ngọai, được trúng số... nhưng vẫn có những điều làm chúng ta không thỏa mãn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc đích thực trọn vẹn. Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi có khả năng và mở lòng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có khi chúng ta có Chúa là lẽ sống, được gia nhập vào Nước Trời, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được vui hưởng hạnh phúc viên mãn. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở cửa lòng đón nhận Thiên Chúa và tha nhân: mở trí khôn để hiểu rõ thánh ý Thiên Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân và mau mắn đáp ứng; mở trái tim để yêu thương mọi người; mở miệng để nói lời động viên an ủi và mở đôi tay để chia sẻ cơm áo vẫt chất và phục vụ tha nhân...

2) PHÚC THAY!: Đây là tám điều kiện phải có để đạt được hạnh phúc Nước Trời:

+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, những người ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình để khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa trợ giúp, phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Người, biết khiêm hạ phục vụ cho người dưới noi gương Đức Giê-su.

+ Phúc thay ai hiền lành: Là người có lòng nhân từ, không lấy oán báo oán, nhẫn nhịn chịu đựng và tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với mình.

+ Phúc thay ai sầu khổ: Là người gặp sự đau khổ mà không óan than, nhưng biết nhìn lên Chúa Giê-su trên thập giá để nhận biết giá trị thanh luyện và cứu độ của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng những sự trái ý cực lòng để đền tội mình và tha nhân.

+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Là người luôn hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống Chúa Cha trên trời như Đức Giê-su đã dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

+ Phúc thay ai xót thương người: Là người biết mở rộng lòng để cảm thông với nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Có lòng quảng đại để chia sẻ tình thương và cơm áo cho những người đau khổ bất hạnh. Họ sẽ được Chúa đền đáp cân xứng sau này. “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.

+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Là người không tìm thỏa mãn các đam mê nhục dục thấp hèn, biết ăn ở ngay thẳng, thật thà, không giả dối, luôn hành động trong sáng. Chính nhờ sự trong sạch nơi thân xác và tâm hồn mà họ sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa trong Nước Trời mai sau.

+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Là người luôn gieo rắc sự an vui hòa thuận mọi lúc và mọi nơi. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới sẽ có hòa bình. Họ giải tỏa những hiểu lầm, giải gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh hiệu là con của Thiên Chúa.

+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Là người chấp nhận bị sỉ nhục và chịu bách hại vì đức tin. Khi ấy họ sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Những ai chấp nhận bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa Giê-su, cùng chịu đau khổ với Người, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang của Người sau này.

4. THẢO LUẬN: 1-Hiện nay điều gì đang làm bạn vui vẻ hạnh phúc hay bị đau khổ bất hạnh? 2-Khi gặp một điều rủi ro trái ý, một thất bại ê chề, một điều không vui do kẻ khác gây ra, bạn thường phản ứng thế nào? 3-Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến rủi ro thành may mắn có Chúa, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong tám mối phúc Chúa dạy hôm nay, con thấy mối phúc quan trọng nhất và bao gồm mọi mối phúc khác là “Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó”. Người có tâm hồn nghèo khó là người luôn tin cậy phó thác cuộc đời cho Chúa và cầu nguyện không ngừng ; Là người ý thức sự nghèo khó bất lực của mình, nên không xem thường tha nhân và luôn phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Chúa ; Là người luôn ăn ở hiền lành và khiêm nhường trong lòng noi gương Chúa khi xưa.

- LẠY CHÚA. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh lên cao thì lại càng ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.

MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI: DỄ HAY KHÓ?

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, thời gian gần đây người ta thấy rằng báo chí VN dường như nói nhiều đến các vụ án hình sự, các vụ án cướp của giết người nhiều hơn. Chẳng biết mục đích của báo chí là gì, song khi đọc những bản tin như thế, chúng ta dường như nhìn thấy bức tranh xã hội ngày càng u ám hơn, con người càng ngày càng đối xử với nhau cách dã man hơn…làm sao không thể băn khoăn khi thấy chỉ vì ghen tuông mà vợ chồng, bạn bè giết nhau, chặt xác nhau ra thành nhiều mảnh, hoặc như gần đây ngoài Nghệ An liên tiếp xảy ra những vụ cả làng bao vây mấy tên ăn trộm chó và đánh hội đồng cho đến gần chết, khi xe cấp cứu đến, thì cả đám đông kéu nhau cản ở đầu xe, đòi buộc bố của tên trộn phải viết giấy nhận nợ 20 triệu, sau đó vì nạn nhân không được cấp cứu kịp nên đã chết ngay tại hiện trường, đây không phải là lần đầu, mà đã là lần thứ hai hay thứ ba, những tên ăn trộm chó bị đánh chết như thế. Phải chăng con người ngày nay đã mất tính người và đối xử với nhau tàn ác hơn? Và, biết đâu trong đám đông đánh người như thế lại có những người vẫn đi nhà thờ đọc kinh dâng lễ, thì chúng ta sẽ nghĩ gì về những người ấy? Đời sống đạo có ảnh hưởng gì trên cách hành xử của họ không?

Thưa quý OBACE, Mến Chúa –Yêu Người là hai giới răn luôn đi đôi với nhau mà người Kitô hữu nào cũng biết, tuy nhiên từ cái biết đi đến thực hành là một quãng đường dài, hoặc có người chỉ giữ có một nửa và bỏ nửa còn lại tức là chỉ mến Chúa mà không yêu người.

Dĩ nhiên đòi buộc của giời răn mến Chúa vẫn là một đòi hỏi ưu tiên số một, vì Thiên Chúa là Đấng quyền năng và là Chúa tể, nên chúng ta phải dành cho Chúa một sự ưu tiên tuyệt đối trên hết và trước hết mọi sự mọi loài. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại trong bài đọc một, sau khi Mose đã đưa dân Israel qua Biển Đỏ, khi dân chúng đã chứng kiến cánh tay hùng mạnh của Thiên Chúa bảo vệ họ đưa họ ra khỏi Ai cập và tiêu diệt quân đội Ai Cập ngay trước mắt họ như thế, thì Thiên Chúa qua lời của Mose đã đòi dân chúng: Anh em và con cháu anh em phải kinh sợ Đức Chúa Thiên Chúa của anh em mọi ngày trong suốt cuộc đời, và Mose còn chỉ cho dân biết cách sống thể hiện lòng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa là: Hãy tuân giữ các mệnh lệnh và chỉ thị của Người đã truyền, để anh em được sống lâu trong đất mà Thiên Chúa đã hứa. Đó chính là thái độ sống bảo đảm cho hạnh phúc đích thực lâu dài. Tất cả giáo huấn của ông Mose đã được đúc kết trong lời kinh gọi là kinh Shema mà người Do Thái phải học thuộc lòng và đọc vào mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối trong ngày: Nghe đây hỡi Israel! Đức Chúa Thiên Chúa của người là Thiên Chúa duy nhết, ngươi hãy yêu mến đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sứ mình ngươi…..

Đối với người Do Thái giới răn mến Chúa như vậy là đã quá rõ, thế nhưng người ta vẫn rất bối rối mập mờ trước một rừng lề luật và các lời dạy của các thày thông luật, vì thế hôm nay một trong các thày thông luật cũng đã phải đến để hỏi Đức Giêsu: Thưa Thày trong các giới răn, điều nào là trọng nhất? Chúa Giêsu đã trích lại lời kinh Shema và quả quyết với ông luật sĩ này rằng: đó là điều răn thứ nhất và trọng nhất, đồng thời Đức Giêsu còn đưa ra cho ông ta giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến người thân cận như chính mình. Chúa khẳng định đó là hai giới răn trọng nhất trong tất cả lề luật. Khi khẳng định như thế Chúa không hạ thấp hay làm giảm tầm mức giá trị của giới răn mến Chúa, mà trái lại Người nâng cao giời răn yêu người lên một mức độ mới.

Giới răn Mến Chúa đòi chúng ta yêu chúa bằng cả con người với hết khả năng, tình cảm và ý chí, yêu Chúa là dám trao phó tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa như vợ chồng yêu thương nhau và tin tưởng lẫn nhau, như con cái thảo hiếu với cha mẹ. Yêu Chúa là chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp và đi vào trong cuộc đời, là dám để cho Thiên Chúa thay đổi hoàn toàn con người và cuộc sống của mình, yêu Chúa là tuân giữ giới răn lề luật của Thiên Chúa không vì sợ hãi, mà là thấy được những giới răn lề luật là phương thế giúp ta sống tự do trong tư cách là con Thiên Chúa, và là một bảo đảm cho ta được hạnh phúc đời đời.

Yêu mến Thiên Chúa có lẽ dễ dàng hơn là yêu người, mà lại phải yêu người như yêu chính bản thân mình, đó là một đòi hỏi gắt gao. Thông thường ai cũng yêu bản thân mình, ai cũng muốn điều may lành tốt đẹp đến với mình, muốn được nhiều người yêu thương thông cảm, muốn được nhiều người quan tâm giúp đỡ và muốn tìm sự thoải mái hạnh phúc cho bản thân mình, thì khi yêu anh em, chúng ta cũng phài làm tất cả những điều đó cho người anh em. Người Do Thái chỉ nhìn nhận là anh chị em là những người có họ hàng huyết thống, kế đến là những người đồng hương đồng chủng, ngoài những người đó ra thì những người khác đều là những người xa lạ và không có bổn phận phải yêu thương. Khi trả lời cho ông luật sĩ, Chúa Giêsu đã gỡ bỏ sự giới hạn ấy để mở ra đến vô hạn, đối với Chúa Giêsu giới răn yêu người đòi buộc phải mở rộng cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, quốc tịch, không phân biệt tôn giáo hay quan điểm xã hội, tất cả đều là anh em, đều là người thân cận, đều là những người chúng ta được mời gọi để yêu thương, vì tất cà những người ấy đều là con Chúa và họ cũng được Chúa yêu.

Chúa Giêsu đã đồng ý với sự hiểu biết của ông luật sĩ, và coi việc thực hành tốt hai giới răn mến Chúa và yêu người này, thì còn quý hơn cả việc dâng lễ toàn thiêu và các hy lễ khác. Vì Thiên Chúa không thể chấp nhận một của người tiến dâng lên Chúa mà trong lòng lại thù ghét anh em, và Chúa cũng vui khi một người đi dâng của lễ lên Thiên Chúa mà trong lòng lại loại trừ và đối xử tệ bạc hẹp hòi với anh chị em chung quanh, coi anh chị em như rơm rác.

Thưa quý OBACE, hai giới răn Mến Chúa - Yêu người, ngày nay đối với nhiều người Kitô hữu, có khi nó chỉ là những lời lẽ trên môi miệng mà không có trong thực hành, vì trong thực tế có nhiều người vẫn còn sống đạo một cách hết sức hời hợt không cố gắng. Yêu mến ai thì muốn gần người ấy, muôn gặp gỡ truyện trò cùng người ấy, thì cũnng vậy, hành động thể hiện ra bên ngoài của lòng mến Chúa phải là  sự siêng năng đến với Chúa, cầu nguyện, tin tưởng phó thác, chứ không phải là đến nhà thờ dựa dẫm cho hết giờ rồi ra về. Yêu mến thực sự thì luôn muốn đến gặp gỡ Chúa mỗi ngày qua việc dâng lễ, và đón rước Chúa để được nâng đỡ đế tâm sự với Chúa, yêu mến Chúa còn phải thể hiện qua các việc làm cụ thể dành cho Chúa, đó là những công việc tông đồ làm sáng danh Chúa, là tìm tòi hiếu biết về Chúa qua việc siêng năng học hỏi Lời Chúa và giáo lý của Ngài chứ không phải là yêu chung chung.

Yêu mến Chúa, còn phải được thể hiện qua việc yêu mến gắn bó với Giáo Hội của Chúa, mà giáo hội cụ thể nhất chính là giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra, được đón nhận vào Giáo Hội, được nuôi dưỡng bằng các Bí Tích, được săn só từ khi sơ sinh cho đến khi kết thúc cuộc đời, vì thế mỗi người cần phải sống một cách có trách nhiệm với giáo xứ của mình, cùng cộng tác và góp phần xây dựng phát triển giáo xứ, chung tay là việc chung chứ không thể đứng ngoài như một người khách lạ dửng dưng.

Cũng thế giới răn Yêu Người đòi buộc chúng ta phải được thể hiện bằng hành động một cách cụ thể, chứ không thể yêu chung chung, yêu chung chung tức là chưa yêu ai cả, giới răn yêu thương đòi chúng ta quan tâm đến nhu cầu hạnh phúc của nhau nhiều hơn là chỉ nghĩ đến mình, biết chủ động đi bước trước trong việc phục vụ yêu thương, hãy bắt đầu từ ngay trong gia đình, hãy dành tình yêu, sự kính trọng cho cha mẹ già của mình, cho người chồng người vợ đang vất vả vì cuộc sống, hãy dành tình yêu chó những đứa con, kể cả những đứa con chưa ngoan hay những đứa con tật nguyền, đừng khinh dể hắt hủi họ, hãy quan tâm đến những người hàng xóm bên nhà để có thể yêu thương và thông cảm.

Các bạn trẻ thên mến! Yêu người là gì? Nhiều bạn trẻ hôm nay cũng đã hiểu hết sức sai lầm và nhỏ hẹp về chữ yêu, họ lẫn lộn giữa tình yêu và tình dục, tình yêu thì thăng hoa và nâng con người lên cao, còn ngược lại tình dục thì trói buộc con người hạ thấp con người và biến con người thành nô lệ của nó. Yêu nhau không phải là chiếm hữu nhau, mà yêu nhau là muốn cho nhau hạnh phúc và giúp nhau đạt được hạnh phúc và hạnh phúc khi thấy người bên cạnh hạnh phúc, giới răn yêu người đòi chúng ta như thế. Yêu người thân cận như chính mình, đòi các bạn trẻ phải có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy anh em, có một trái tim thật rộng để có thể chạnh thương, tha thứ, thông cảm và đón nhận nhau, một đôi tay thật dài để có thể vươn tới tất cả mọi người để phục vụ mà không còn một sự phân biệt nào cả.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống và thực hành thật tốt hai giới răn này. Amen.

LỀ LUẬT BÓP CHẾT CON TIM

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 

Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình. Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác. Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo. Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.

Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia. Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia. Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác. Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.

Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình. Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác. Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân. Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.

Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình. Lương tâm họ đã bị lề luật trói buột. Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng. Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.

Cách đây ít năm  Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel". Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho trai cứng. Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục. Anh mến Chúa. Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương. Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy. Họ nhân danh lề luật. Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác. Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu. Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.

Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình”. Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục. Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau. Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn, nuốt cá bé. Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi. Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hoá tình người. Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình. Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười”. Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ  với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ”.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác. Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân. Mến Chúa phải yêu tha nhân. Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình. Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa. Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân. Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu. Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa. Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa. Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối:.

Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân. Amen

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên_MM Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A-CON CHIÊN LẠC - ĐỒNG BẠC MẤT. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     CÁC THÁNH LÀ AI?
     LỄ CÁC ĐẲNG-Tri ân tình cha, tình mẹ. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Con đường nên thánh. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A. NGHỊCH LÝ TRONG ĐỜI. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A- NÓI VÀ LÀM. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     BÀI SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ . Lm Nguyễn Đức Ngọc
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Gioan B Phan Kế Sự
     LÒNG TRI ÂN CỦA CÁC LINH HỒN NƠI LỬA LUYỆN NGỤC.Nt. Jean Berchmans Minh Nguyệt
     TÌNH YÊU CỨU CHỮA ĐIỀU ĐÃ HƯ MẤT. Lm HK