Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 8

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên Năm B

Lễ Chúa Ba Ngôi

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI – GƯƠNG MẪU CHO CÁC GIA ĐÌNH

ba-ngoi_1.jpg

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng một mầu nhiệm cao trọng và chính yếu nhất trong đạo, đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trí khôn giới hạn của con người đã không thể suy thấu mầu nhiệm Thiên Chúa, vì nếu con người có thể “nhốt” được Thiên Chúa vào trong trí khôn của mình, thì thiên chúa đó không phải là Thiên Chúa nữa. Hơn nữa, suy luận của con người bị giới hạn trong khung của thời gian, không gian và của con số, vì thế khi nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quả là một điều vượt quá khả năng suy luận của con người.

Thiên Chúa biết rõ khả năng giới hạn của trí khôn con người, vì thế, để tỏ mình ra cho nhân loại, Thiên Chúa đã dùng rất nhiều cách và trải qua từng bước giúp con người có thể hiểu được phần nào về chính Ngài. Nhưng trong tất cả mọi cách thức bày tỏ chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa luôn tỏ cho thấy Thiên Chúa là Duy Nhất và là Tình Yêu.

Cách đây bốn đến năm ngàn năm, khi đa số con người còn sống trong sợ hãi, sự sợ hãi đã dẫn đến hình thức thờ các thần: thần cây, thần sông, thần biển, thần sấm sét… thì qua sách Đệ Nhị Luật Thiên Chúa đã tỏ cho Israel biết Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, Quyền Năng, ngoài Ngài ra không có một Thiên Chúa nào khác. Ngài chính là Đấng tạo dựng nên trời đất muôn vật và con người. Lúc bấy giờ, bị nô lệ tại Ai Cập sau đó là tại Babylon, dân Do Thái bị cám dỗ so sánh Thiên Chúa của Israel với thần minh của các dân ngoại. Vì thế, Môsê đã mạnh mẽ khẳng định với Israel: “Anh em cứ nhìn xem, từ trước đến nay, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra những chuyện vĩ đại mà Thiên Chúa của anh em đã làm cho anh em không? Có dân nào được nghe tiếng Chúa phán từ trong đám lửa? Có thần nào chọn cho mình một dân tộc giữa các dân tộc như Thiên Chúa đã làm và đã chọn anh em hay không? Có Thiên Chúa nào lại dùng cánh tay hùng mạnh để bảo vệ dân Người như Thiên Chúa của anh em hay không?”.

Đặt những câu hỏi gợi lên quyền năng và những việc Thiên Chúa làm cho Israel, để nhắc cho Israel nhớ rằng chỉ có Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, quyền năng và là Đấng tạo dựng tất cả vì yêu thương con người. Đồng thời, Môsê cũng muốn dân Israel tái khẳng định lòng trung tín của mình với giới răn lề luật của Thiên Chúa, tin tưởng đi theo sự dẫn dắt của Ngài, dám phó thác tương lai nơi bàn tay Ngài. Vì không có Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của Israel Đấng tạo dựng trời đất và cũng là Đấng giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ, đem lại tự do và hạnh phúc.

Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã đưa con người đi đến một mức hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn là một vị Thiên Chúa đơn độc, Ngài không đứng từ xa để điều khiển con người và vũ trụ. Qua Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đã bước đến với con người. Thiên Chúa từ đây trở nên gần gũi, trở nên bạn hữu với con người. Ngài đến để chia sẻ thân phận con người với nhân loại và để chỉ cho nhân loại biết chúng ta có một Thiên Chúa là Cha yêu thương, quyền năng; con người được gọi Chúa là Cha, Ngài chính là Đấng nắm giữ vận mạng và sự sống của cả vũ trụ. Đức Giêsu còn nói cho chúng ta biết, chính Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến để cứu độ, giải thoát nhân loại và vũ trụ khỏi cảnh nô lệ của ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Chúa Giêsu đã thể hiện quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài khi Ngài giảng dạy, chữa lành bệnh tật xác hồn, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và sau cùng chính Ngài đã trải qua sự chết và đã chỗi dậy, sống lại trong vinh quang.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa tuyên bố với các tông đồ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Dựa trên quyền năng đã đón nhận từ Chúa Cha, Chúa Giêsu lại tiếp tục trao quyền cho các tông đồ, đồng thời cũng là một sứ mạng: “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế”.

Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mặc khải cho chúng ta về một vị Thiên Chúa từ nơi Cha mà đến, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Vị Thiên Chúa được Đức Giêsu nói đến rất nhiều lần. Chúa Giêsu cũng cho thấy Chúa Thánh Thần là Đấng quyền năng, biến đổi thế giới, Ngài là Thiên Chúa như Chúa Cha và như Chúa Con. Chúa Giêsu đã nói về Chúa Thánh Thần như Đấng Bảo Trợ, Thần Chân Lý, Đấng An ủi… sẽ được ban tặng cho nhân loại, Ngài là Vị Thiên Chúa sẽ tiếp tục hoạt động và ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế.

Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã giải thích rõ hơn về vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh cũng như trong từng tín hữu. Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn Hội Thánh và các tín hữu đi đúng theo con đường của Chúa Giêsu, đó là con đường trở nên con Thiên Chúa. Con đường này đã được Chúa Giêsu chỉ ra, Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành, trợ giúp, để mỗi ngày, mỗi người rèn luyện và uốn mình theo khuôn mẫu là Chúa Giêsu để có thể sống xứng đáng là con Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã sống. Chúa Thánh Thần là Đấng giúp ta sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Tự do ở đây không phải là làm bất cứ điều gì, nhưng là tự do chọn lựa con đường thánh thiện và sống không bị ràng buộc hay lệ thuộc vào dục vọng, thế gian và xác thịt. Đặc biệt hơn nữa, chính Chúa Thánh Thần làm chứng và giúp chúng ta sống tư cách làm con Thiên Chúa để chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!”. Và bảo đảm cho ta được hưởng gia nghiệp Nước Trời cùng với Chúa Giêsu.

Thưa quý OBACE, mừng mầu nhiệm Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần khơi lên trong ta tâm tình tạ ơn và hãnh diện. Tạ ơn vì chúng ta được nhận biết Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa nói cho ta biết về mầu nhiệm của Ngài. Tạ ơn vì nhờ tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi và được nhận làm nghĩa tử, tức là làm con của Thiên Chúa. Chúng ta hãnh diện vì Thiên Chúa chúng ta là Đấng cao cả quyền năng, ngoài Chúa ra không có một thần minh nào khác. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa tình yêu và hơn hết Ngài là Cha yêu thương tất cả chúng ta, Ngài đã sai Chúa Con đến để cứu chuộc chúng ta và sai Thánh Thần đến để đồng hành giúp ta sống tốt ngay hôm nay và ban sức mạnh giúp ta vững bước trên hành trình về trời.

Chúng ta được mời gọi suy ngắm tôn thờ và nhất là sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống thường ngày, qua đời sống tin, cậy, yêu mến và còn phải diễn tả mầu nhiệm này cách cụ thể trong gia đình. Chính trong đời sống gia đình, vợ chồng, cha mẹ đang được cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Gia đình của mỗi người là hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, khi xây dựng gia đình thực sự trở thành cộng đoàn yêu thương, hiệp thông, chia sẻ, thì gia đình càng trở nên giống với gia đình của Thiên Chúa, vì gia đình Ba Ngôi là gia đình của Tình yêu, Hiệp thông và Chia sẻ. Khi mỗi thành viên trong gia đình sống trọn vẹn chức năng và vai trò của mình trong gia đình, chức năng là cha mẹ, vai trò là gia trưởng, hiền mẫu và là con cái, gia đình sẽ yên vui hòa thuận trở thành cộng đoàn tình yêu.

Không chỉ tôn thờ và phản ảnh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua đời sống gia đình, chúng ta còn phải tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho mọi người chung quanh. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Khi làm dấu, chúng ta ghi hình thánh giá từ trên trán xuống đến trái tim để tuyên xưng mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, Ngài làm chủ tâm trí và trái tim của ta. Chúng ta đặt Chúa Thánh Thần trên hai vai để tuyên xưng Thánh Thần là Đấng luôn trợ lực cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Sống động hơn nữa là mỗi tối vợ chồng, cha mẹ con cái cùng quây quần trước bàn thờ gia đình để đọc kinh tạ ơn Chúa và dâng lên Chúa ngày sống đã qua, dâng lên Chúa lo toan của gia đình. Đó là hình ảnh đẹp nhất để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên: TIN VÀO TÌNH YÊU QUAN PHÒNG CỦA CHÚA_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên: TÍN THÁC VÀO SỰ YÊU THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. LM ĐAN VINH - HHTM
     CHỦ NHẬT 8 TN: Yêu thương và tin tưởng vào Cha_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên C_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên C: THANH TẨY ĐỀN THỜ_ Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên C: "Chúa Chính Là Ánh Sáng"_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên Năm C_Nt. Maria Chinh Anh.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi: THIÊN CHÚA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí