Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 26

CHỦ NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Thế gian thường quảng cáo và lôi kéo chúng ta bằng lý tưởng của nó, và buồn thay, nhiều khi nó thành công. Còn tin mừng thì trình bày một trật tự giá trị hoàn toàn đảo ngưc. Như Đức Maria ca trong bài Magnificat, Chúa đuổi những kẻ giàu sang trở về tay trng. Đó là tiếng kêu lạc điệu trong xã hội tiêu thụ chúng ta. Chúng ta có phản ứng như thế nào trước khi quá trễ?

Tiên tri Amos 6,1a.4-7

Khi người ta no nê,thì số phận phần còn lại của thế gian không đáng quan tâm nữa. nhưng Amos cảnh giác chúng ta phải coi chừng, sẽ có những đảo lộn như chúng thấy trong bài tin mừng ngày hôm nay.

Thánh vịnh 112

Khác với các thế lực trên trái đất, Thiên Chúa là đấng công chính. Người lắng nghe lời của người nghèo và tái lập trật từ trong một thế giới bị xâu xé bởi ích kỉ và bất công.

Thư 1 Tm 6,11-16

Timôthê là một người đạo gốc vì mẹ và bà ngọai của ông là người ki tô hữu. Lúc bấy giờ Phao lô đang bị giam tù và ngài viết thư cho Timôthê đang là Giám Mục. Ngài để lại cho môn đệ yêu quí của Ngài lời khuyên cuối cùng: Hãy đứng vững trong Đức tin và Tình yêu cho đến cùng, dù cho thế giới chung quanh bày ra những giá trị khác với Ki tô giáo.

Tin mừng Lc 16, 19-31

NGỮ CẢNH

Nằm trong chương 16 gồm các giáo huấn dạy về việc sử dụng của cải trần gian (16,1-8; 9-15), dụ ngôn nầy rất độc đáo và chỉ có trong tin mừng Lc. Có thể đọc theo cấu trúc hai phần sau đây. Sau phần vào đề trình bày sự đối chọi giữa một người giàu và một người nghèo trên trần gian (16,19-21), dụ ngôn cho ta thấy số phận của họ đã đảo chiều như thế nào ở thế giới bên kia và tập trung vào hai cuộc đối thoại giữa người phú hộ và ông Abraham: phần đầu về số phận của người phú hộ (16,22-16); phần sau về số phận của các anh em ông  (16,27-31).

TÌM HIỂU

Ông nhà giàu: dụ ngôn tiếp liền sau các “lời nói” trong các câu 14-18. Dụ ngôn không có lời mở đầu hay câu chuyển đọan. Ông phú hộ nầy cũng không có tên gọi như ở câu thứ 1. Sự đối chọi giữa cuộc đời xa xỉ của ông và sự kế cận của người nghèo cho ta hiểu rằng ông ta vì quá giàu có nên đã hoàn toàn trở nên vô cảm. Thêm vào đó là sự giàu có thiêng liêng giả tạo của những người tự cho mình là công chính, “điều đáng ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (16,15). Tất cả những điều đó đã tạo thành một sự phân cách giữa người giàu và người nghèo trên thế gian (16,210. X. Amos 2,6-7; G 24,2-12.

La da rô: đây là trường hợp độc nhất, vì trong các dụ ngôn, các nhân vật không bao giờ được gọi bằng tên riêng cả. Nhưng đây là một người nghèo, và trước mặt Thiên Chúa, sự nghèo khó là một tước hiệu để được Người quan tâm riêng. La da rô có nghĩa là Thiên Chúa gúp đỡ: tên gọi mang theo niềm hi vọng. Thiên Chúa không bỏ rơi những người nghèo (Cn 22,22-23; Tv 71,12-14).

Thèm được những thứ: cùng một kiểu nói như trong trường hợp đứa con trai phung phá, dịch là: muốn ăn cho đầy bụng (15,16).

Chó: khung cảnh nầy làm ta nhớ đến ông Gióp. Trong Thánh Kinh, chó được coi như là thú dữ và đáng ghê tởm. Ở đây, sự hiện diện của chúng nhấn mạnh đến sự trái ngược giữa người giàu có và người nghèo.

Ông Áp bra ham: những người công chính trong Cựu Ước thường được cho là sẽ gặp ông Abra(ha)m và sẽ đoàn tụ với các tổ phụ của họ. Nhưng ở đây, người nghèo mừng lễ cùng với các tổ phụ (x. 13,28-29 dùng hình ảnh bữa tiệc); đây chính là vĩnh phúc. Các họa sĩ thường vẽ những người được chọn như là những người con quay quần chung quanh ông Abra(ha)m, tổ phụ của họ.

Kiểu nói: “trong lòng ông Abra(ha)m” được dùng ở đây còn xuất hiện ở Ga 13,23 nói về người môn đệ mà Chúa Giê su yêu mến “nằm trong lòng Chúa Giê su”, nghĩa là ở bên tay trái, gối đầu trên ngực Chúa (13,25): đó là vị trí danh dự trong bữa tiệc. Vị trí của người môn đệ là vị trí của Con Một nơi “cung lòng Cha” (Ga 1,18).

Thật vậy tình phụ tử của ông Abra(ha)m, là hình ảnh duy nhất của tình phụ nơi Thiên Chúa nối kết các môn đệ vào sự thông hiệp mà Người chia sẻ với Con của Người. Bàn tiệc Thánh Thể, tức là bàn tiệc thiên quốc sẽ đến, đã thực hiện bằng việc đi vào trong cung lòng của Chúa Cha cùng với Chúa Con.

Chôn: sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu một lần nữa được nhấn mạnh:                       người trước được đưa lên trời, còn người kia thì bị chôn vùi dưới đất. Sự đảo lộn tư thế bắt đầu xuất hiện.

Âm phủ: hoặc nơi ở của người chết. Trong khoảng thời gian dài đến thế kỉ thứ 2 trước CN, người ta tin rằng những người chết, gồm những người lành và kẻ dữ được qui tụ trong một nơi hoang tàn (được gọi là sheol trong tiếng Híp pri, và Hadès trong tiếng Hi lạp). Nhưng vào thời Chúa Giê su, ý tưởng đã có tiến bộ: nói chung, người ta nghĩ rằng những người công chính yên nghỉ chờ đợi ngày sống lại (họ ở trên “thiêng đàng” hoặc trong vườn Ê đên, 23,43);  còn người dữ thì đã bị phạt trong lửa muôn đời . X. đạo lí nầy manh nha trong đoạn Đn 12,2-3.

Nhưng ở đây Lc đưa ra một giáo huấn về sự sống sau khi chết. Mục tiêu duy nhất của ông là khuyến khích người ta sám hối ngay từ giờ. Ông trình bày khoảng cách giữa tình trạng của những người nghèo và tình trạng của những người giàu trước nhan Thiên Chúa (16,22). Số phận con người trong đời sống bên kia đã được bắt đầu ở đây trên mặt đất nầy; do đó, người ta cần phải thay đổi cách sống trên trần gian.

Phần phước – bất hạnh: x. G2,10. bản văn nầy không nói về phần thưởng cho người công chính và hình phạt cho người tội lỗi. Nó chỉ trình bày một trong những đảo ngược tình thế mà Lu ca thích nói tới, mà chúng ta đã thấy trong Bát Phúc (6,20-26) và trong kinh Magnificat (1,46-55).

Vực thẳm lớn: hình ảnh của hai thế giới không liên lạc với nhau như Thiên Chúa và tiền của (16,13). Vực thẳm đã hiện hữu trên mặt đất nơi mà ông nhà giàu sống trong một thế giới đóng kín trước thế giới của người nghèo. Nó vẫn còn và vĩnh viễn hiện diện trong cuộc sống bên kia. Người ta sẽ thu lấy những gì mà người ta đã gieo vãi.

Ông nhà giàu nói: ở đây bắt đầu phần thứ hai của dụ ngôn: lời khẩn xin tiếp theo của ông nhà giàu cho phép Abra(ha)m xác định kết luận phần thứ nhất; tiền của – và sự bảo đảm mà nó sinh ra – làm mờ mắt và giam hãm, đóng kín tâm hồn con người trước Lời Thiên Chúa. X. trong 15,29-30 phản ứng của người con cả cho phép tái xác nhận và mở rộng thái độ đúng đắn của người cha.

Mô sê: ông Abram qui chiếu đến Kinh Thánh diễn tả thánh ý của Thiên Chúa về việc sử dụng của cải trần gian nầy, cũng như về sự cần thiết của việc sám hối: chỉ cần lắng nghe lời Người (x. 6,47;8,11-15).

Họ sẽ ăn năn sám hối: không chỉ nói về việc sám hối liên quan đến tiền của (19,1-10), mà trong mọi khía cạnh của cuộc sống (x.13,3.5). Do đó cũng liên quan đến những người Pha ri sêu (16,15).

Sống lại: nhiều lần người Do thái đã xin Chúa Giê su làm một dấu lạ cả thể để họ có thể tin vào Ngài, nhưng Chúa Giê su chỉ nhắc lại dấu chỉ Giô na (11,29-30). Ngài đã ban cho họ trong sự sống lại  của người thanh niên ở thành Nayin (7,11-17), và đặc biệt trong cuộc Phục sinh của Ngài, cũng như trong bài giảng thực hiện dưới danh Ngài sau Hiện xuống.

Thế nhưng cả dấu chỉ nầy cũng không thuyết phục được người Do thái. Tuy nhiên nó chính là sự hoàn tất Lề luật và các Tiên tri (24,27.44-46; Cv 28,23). Sự trùng khớp giữa Kinh thánh và cuộc sống của Chúa Giê su là một trong những lý chứng quyết định nhất của đức tin. Do vậy, Chúa Giê su nói dụ ngôn nầy để tìm cách thuyết phục các thính giả của Ngài cần phải sám hối nếu thật sự họ muốn trở thành con cái đích thật của Abra(ha)m và chia sẻ vinh quang của ông. Chúa Giê su dùng nhân vật danh tiếng Abraham để mời gọi họ tin vào Ngài và nhờ vậy mà được cứu độ.

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay lớn tiêng tố cáo điều mà chúng ta gọi là “phân hóa trong xã hội”. Chúng ta có thể kiểm chứng khoảng cách giữa người giàu và nghèo đã càng ngày càng gia tăng như thế nào trong những thập niên gần đây. Sự giàu có xa hoa không cùng của một số người đã không ngừng được phô trương. Điều đó trở thành một sỉ nhục đối với những người nghèo càng lúc càng lún sâu vào trong nỗi bất hạnh của mình. Chỉ cần nêu ra ở đây sự cách biệt khủng khiếp giữa tiền lương như một thí dụ điển hình: có những ngôi sao bóng đá nổi tiếng hằng ngày nhận thù lao bằng số tiền mà nhiều người kiếm được trong một hay nhiều năm làm việc, thậm chí trong cả một cuộc đời. Nhưng sự nghèo khó không chỉ trong bình diện vật chất, mà còn trầm trọng hơn về phương diện tâm linh. Chúng ta đừng quên những người không được giáo dục, không có văn hoá, không được kính trọng trong xã hội và nhất là thiếu vắng tình thương.

Vì thế mà tin mừng hôm nay loan báo cho chúng ta một sự đảo ngược tình thế. Điều mà chúng ta đang sống hôm nay để lại một âm hưởng muôn đời. Tất cả những điều đó, Chúa Giê su cắt nghĩa cho chúng ta bằng một dụ ngôn bắt chúng ta phải suy nghĩ. Dụ ngôn ấy nói về hai người: một bên là một người giàu có, hưởng thụ giàu sang cho riêng mình. Ngay bên cạnh ông ta là một người nghèo khổ, đang chết dần chết mòn trong một tình trạng khốn cùng cực độ

Bài tin mừng không nói rằng người giàu có tàn ác hay hành hạ người nghèo. Ông ta cũng không bị khiển trách vì đã giàu. Sự sai lầm duy nhất của ông ta là đã không nhìn thấy ông La da rô ở ngoài cửa. Trong dụ ngôn nầy, người giàu có không hề biết đến và không mảy may để ý ông La da rô nghèo khổ. Ông ta cứ tiếp tục không sống như không có người nghèo hiện hữu trước mắt ông

Điều mà Chúa Giê su tố cáo trước tiên đó là sự dửng dưng của ông nhà giàu đối với người bất hạnh. Đó là một thái độ rất trầm trọng vì nó làm cho con người trở nên vô cảm đến độ không còn có thể cảm thông với kẻ khác. Nó làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, đấng đến gần tất cả những ai đang đau khổ và tự đồng hoá với mỗi người trong họ. Và rốt cục, thái độ ấy huỷ hoại tâm hồn.

Nhưng đến cuối đời, tình trạng của ông La da rô và của người giàu đảo ngược: trong khi Ladarô được hưởng hạnh phúc, thì ông nhà giàu phải chịu cực hình khủng khiếp. Bấy giờ, thật là quá trễ để ông nhà giàu nhận ra những hậu quả sự đui mù của mình. Cả đời sống ông ta chỉ nghĩ đến mình: của cải, quần áo, đồ ăn, thức uống chiếm hết tâm trí của ông. Trong tâm hồn ông không có chỗ cho người khác. Dụ ngôn dường như gợi ý rằng ông cũng không có cả những người đồng bàn với mình. Ông cô đơn và sẽ như vậy mãi ở cõi đời sau. Ở đó, không ai có thể đến cứu giúp ông vì ông đã đào một cái hố sâu chung quanh mình. Sự cô đơn khủng khiếp ấy do chính ông gây nên. Ông hoàn toàn bị giam hãm.

Tính ích kỉ và dửng dưng không chỉ là những khiếm khuyết hoặc tội lỗi. Đó còn là một tai hoạ lớn. Người ích kỉ chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình trong việc tích góp của cải để tiêu xài. Thực sự ông ta suốt đời không thoả mãn. Không gì có thể lấp đầy hoàn toàn tâm hồn. Bao lâu còn tiếp tục sống trong tình trạng ấy, thì con người không bao giờ thực sự được hạnh phúc. Chúng ta là những ngưòi ki tô hữu, chúng ta biết rằng bí quyết của hạnh phúc đích thật nằm trong Tin mừng. Điều làm nên giá trị cuộc đời là chính cách mà chúng ta nhìn người khác và nhất là cách mà chúng ta yêu thương họ ngang qua những cử chỉ mở rộng, tiếp đón và sẵn sàng.

Tin mừng nói với chúng ta về một vực thẳm mà người giàu đã tạo ra giữa ông và ông La da rô. Và tin mừng cảnh giác chúng ta về vực thẳm ấy, coi chừng chúng ta có thể lọt vào. Lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta biết rằng trên con đường sám hối trở về, chúng ta không cô đơn. Đức Ki tô hiện diện để mở mắt và mở tai chúng ta. Ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta thấy những người đói ăn, đói tình yêu và đói ơn nghĩa. Nếu Ngài vẫn đến trong thế giới nầy và tiếp tục đến trong cuộc đời chúng ta là để san bằng vực thẳm ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta kết hợp với Người và liên kết với nhau. Sứ vụ của chúng ta là làm việc với Đức Ki tô để xây dựng một thế giới mới, công bằng hơn, huynh đệ hơn và liên đới hơn

ĐÀO SÂU

ĐỪNG GẮN BÓ VỚI CỦA CẢI TRẦN GIAN

Am 6,1a, 4-7 Tiên tri chống lại thói hoang phí ngạo mạn của bọn nhà giàu  

Tv 146,6c-7, 8-9a, 9b-10 Hãy ca mừng Chúa vì Ngài ban cho kẻ nghèo đầy dư ơn phúc

1 Tm 6,11-16 Sống đức tin vào Đức Ki tô           

Lc 16,19-31 Dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô: tình thế sẽ đảo ngược

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: ĐỪNG GẮN BÓ VỚI CỦA CẢI TRẦN GIAN. Tiên Tri A-mốt phê bình lối sống của những người giàu có không quan tâm đến người khác (Bđ 1). Tình trạng của họ cuối cùng sẽ bị đảo ngược trước hạnh phúc thiêng đường của người nghèo khổ (BTM). Phaolô khuyên Timôtêô lo trau dồi các nhân đức tin, mến, nhẫn nại và hiền hòa (Bđ2).

2. HỎI: Tiên tri A-mốt là ai?

THƯA: A-mốt sinh ra ở Tekoa, gần Bết-lê-hem, có lẽ khoảng đầu thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, vào lúc trước khi vương quốc Ít-ra-ên sụp đổ. Trong khi ông đang chăn dắt đàn chiên của mình, ông đã được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành sứ vụ tiên tri trong vương quốc phía Bắc. Ông là tiên tri đầu tiên ghi lại lời rao giảng của mình.

3. HỎI: Ông đã nghĩ như thế nào về ơn gọi làm tiên tri của mình?

THƯA: Cũng như các tiên tri khác cảm thấy mình không xứng đáng được Thiên Chúa lựa chọn làm tiên tri, A-mốt thú nhận khi bị lãnh đạo tôn giáo tra hỏi thẩm quyền: ‘Tôi không phải là tiên tri, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm tiên tri. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta’ (Am 7,14).

4. HỎI: Điểm nỗi bật nhất trong sứ vụ tiên tri của ông là gì?

THƯA: Ông phục vụ dưới triều đại Vua Gia-rốp-am II (783-743 tr.CN), sử dụng đền thờ ly giáo ở Bê-thên làm cơ sở. A-mốt, một người có tâm tình tôn giáo sâu sắc, nhiệt thành phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa, mạnh mẽ kết án đời sống phóng đãng của người thành thị, tố cáo bất công xã hội và và lối thờ phượng dối trá. Ông vạch trần tội ác của những người khai thác người nghèo và quở trách các thẩm phán để cho người ta mua chuộc.

5. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc 1 là một trích đoạn của sách Tiên tri A-mốt (Am 6,1.4-7) cảnh cáo Vua quan Ít-ra-ên chỉ biết sống trong cảnh giầu sang nhung lụa mà chẳng quan tâm gì đến tình hình và vận mệnh của dân tộc. Hậu quả là đất nước họ sẽ bị ngoại bang xâm chiếm và bản thân họ sẽ phải bị lưu đầy khốn khổ.  

6. HỎI: Tiên tri cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai?

THƯA: Qua đoạn sấm ngôn trên (6, 1.4-7) tiên tri cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng rất công minh: những người cầm quyền đã được giao trọng trách cai trị dân, được hưởng những đặc quyền về vật chất, phải có trách nhiệm lo cho dân, cho đất nước. Sống thờ ơ với đời sống thường ngày của dân, với vận mệnh của đất nước, chỉ biết hưởng thụ mà không chu toàn trách nhiệm thì họ đáng bị trừng phạt.

7. HỎI: Tiên tri A-mốt trách những kẻ cầm quyền và người giàu có như thế nào?

THƯA: Tiên tri trách những kẻ cầm quyền và người giàu có sống an nhiên tự tại trên xác tín sai lầm mà không thấy cuồng phong đang kéo đến làm cho toàn bộ xã hội tan nát.

8. HỎI: Sai lầm của họ là gì?

THƯA: Sai lầm của họ là xây dựng sự bảo đảm cho mình trên những cái mau qua chóng tàn như chiến thắng quân sự, kinh tế phồn vinh và vỏ bọc đạo đức. Họ quên rằng sự an ninh duy nhất của Ít-ra-ên phải đặt trên nền tảng lòng trung thành với Giao Ước. Đó là điều mà tất cả các tiên tri Cựu Ước đều lưu ý.

9. HỎI: Tiên tri A-mốt dạy gì về điều ấy?

THƯA: Cũng như các tiên tri khác Tiên tri A-mốt dạy rằng: hạnh phúc con người và các dân tộc đến từ sự trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa. Và sự trung thành ấy bao gồm công bằng xã hội và niềm tín thác vào Người. Nếu họ lạc xa đường lối ấy, thì sớm muộn gì họ cũng phải chết.

10. HỎI: Tiên tri A-mốt có thái độ nào đối với tình trạng xã hội ở vương quốc phía Bắc?

THƯA: Dưới triều Vua Gia-rốp-am (783-743), vương quốc phía Bắc phát triển không ngừng. Tuy nhiên, sự phồn thịnh kinh tế đòi hỏi phải đi đôi với sự phát triển xã hội. Tiếc thay, người ta đã dần dần xa lí tưởng ban đầu mà Lề luật đã vạch ra là bảo vệ sự công bằng giữa các công dân và phân phối đất đai đồng đều cho họ.

11. HỎI: Bài đọc 2 (1 Tm 6, 11-16) có nội dung như thế nào?

THƯA: Phaolô khuyên người môn đệ mình là Timôthê lo trau dồi các nhân đức tin, mến, nhẫn nại và hiền hòa.

12. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 16,19-31) như thế nào?

THƯA: Sau dụ ngôn nói về việc sử dụng của cải cách bất chính (16,1-8) và việc lạm dụng của cải (16,9-13), Lu ca lột trần chân tướng người Pha-ri-sêu là ‘vốn ham hố tiền bạc’ (16,14-18). Vậy dụ ngôn 16,19-31 nối tiếp những nhận định của Lc về việc sử dụng không đúng đắn của cải. Có 2 ý chính: 1. Tình trạng trước và sau khi chết khác biệt nhau (16, 19-26). 2. Sứ điệp cho 5 người anh em và các môn đệ Chúa Giê su (16,27-31).

13. HỎI: Tên gọi La-da-rô có nghĩa gì và nói lên điều gì?

THƯA: La-da-rô có nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu giúp’: Người thương cứu giúp ông không phải vì ông nhân đức, mà bởi vì người nghèo như ông biết mở tâm hồn đón nhận Lời Người.

14. HỎI: Điều ấy có làm cho những người nghe ngạc nhiên không?

THƯA: Họ rất ngạc nhiên, vì câu chuyện Chúa Giê su kể hoàn toàn khác với câu chuyện mà họ từng được nghe: có một người giàu có đầy tội lỗi và một người nghèo đầy nhân đức. Cả hai khi chết được đưa lên cân: người tốt, dù giàu hay nghèo, luôn được tưởng thưởng, còn người xấu, dù giàu hay nghèo, luôn bị phạt.

15. HỎI: Chúa Giê su có theo lí luận ấy không?

THƯA: Không. Ngài không hề nói ông La-da-rô là người nhân đức. Ngài chỉ cho biết rằng người giàu có hoàn toàn dửng dưng, không hề đoái hoài tới người anh em nghèo đói đang nằm ngay trước cửa nhà ông.

16. HỎI: Ông Áp-ra-ham được nhắc tới bao nhiêu lần trong câu chuyện nầy, và có mục đích gì?

THƯA: Chúa Giê su nhắc tới ông Áp-ra-ham đến 7 lần trong câu chuyện nầy. Ngài hỏi các thính giả: ‘Ai thực sự là con cái Áp-ra-ham?’ Và đưa ra câu trả lời: ‘Nếu ngươi không nghe lề luật và các tiên tri dạy, nếu người dửng dưng với sự đau khổ của anh em mình, ngươi không phải là con cái A-bra-ham’

17. HỎI: Điều cốt yếu mà Chúa Giê su muốn nhắc cho người Do thái là gì?

THƯA: ‘Là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Ðức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Ðức Chúa bao bọc phía sau ngươi’ (Is 58,7-8).

18. HỎI: Việc ông La-da-rô được các thiên thần đem vào lòng Áp-ra-ham có nghĩa gì?

THƯA:  Điều ấy có nghĩa là người nghèo có một vị trí danh dự trong Vương quốc của Thiên Chúa (x. Lc 13, 28-29, Ga 13,22).

19. HỎI: Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta những điều gì khác trong dụ ngôn này?

THƯA: Người ta không thể trở thành con cái Áp-ra-ham, tức là những người thừa kế Vương quốc Ít-ra-ên chỉ bằng những lời nói suông. Vì thế qua giáo huấn này, Chúa Giê su mời gọi mỗi người chúng ta đừng gọi mình là Kitô hữu bằng lời nói suông rồi sau đó trong thực tế sống như người hoàn toàn không biết đến Thiên Chúa.

20. HỎI: Người Kitô hữu thực sự là ai?

THƯA: Đó là người đặt Tin mừng của Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống mình. Là người biến đổi cuộc sống của mình mỗi ngày, dựa trên Lời Chúa dạy. Là người tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội tức là cộng tác vào sự phát triển Vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian.

21. HỎI: Người phú hộ bị kết án bởi sự giàu có của mình không?

THƯA: Không. Khi nói với ông Áp-ra-ham, ông ta cho rằng vì thiếu hiểu biết mà cuộc sống của ông ta đã trở nên xấu xa. Vì thế, chỉ cần một dấu lạ từ trời thì ông sẽ tin. Nhưng Áp-ra-ham phản bác: dù có một dấu lạ từ trời, ông ta cũng không hoán cải. Lý do là vì không phải sự giàu có, mà chính việc sử dụng của cải một cách ích kỷ kết án ông. Cũng không phải do ông thiếu hiểu biết, vì ai không lắng nghe lời Thiên Chúa phán ngang qua lương tâm và Kinh Thánh thì dù có một phép lạ cuộc sống cũng sẽ không đổi thay. Ông bị kết án vì đã không thể đón nhận cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa và không hề có một ý thức nào về tình tương thân tương trợ.

22. HỎI: Người phú hộ bị lên án được coi như một sự trừng phạt của Thiên Chúa?

THƯA: Không phải thế. Khi còn sống, ông đã đóng kín tâm hồn, chỉ quan tâm đến những lợi ích trần gian và gắn bó với tiền bạc của cải đến nỗi ông cảm thấy vô ích và trống rỗng khi gặp ánh sáng của Thiên Chúa là một món quà của tình yêu ban tặng cho ông. Sự kết án nằm sẵn trong số phận của người giàu có vì đã chọn một cách sống đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Do đó, không phải Thiên Chúa lên án, nhưng bản thân ông lên án chính mình bởi hành động của mình.

23. HỎI: Có phải ông La-da-rô nghèo khổ được cứu độ bởi vì ông đã không gặp may trong thế giới này?

THƯA: Không phải thế. Ông được vào Thiên đàng vì ông đã mở tâm hồn ra cho Thiên Chúa để cho Người hướng dẫn bằng sức mạnh của tình yêu và ân sủng của Người.

24. HỎI: Bài Tin mừng dạy ta những bài học nào?

THƯA: Bài Tin mừng dạy ta những bài học nầy: một là số phận đời đời sau khi chúng ta chết liên hệ mật thiết với việc chúng ta sử dụng của cải trần gian nầy; hai là nếu của cải có thể gây ra nhiều nguy hiểm thì Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta nhiều phương thế cần thiết để đương đầu và chiến thắng; ba là người ta không chịu ăn năn hối cải là vì cứng lòng, không dùng các phương thế Chúa ban, chứ không phải vì thiếu phương thế; bốn là số phận sau khi chết là vĩnh viễn, không thể thay đổi.

25. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Cảnh giác, tự chủ và siêu thoát trước sức quyến rũ của chức quyền, địa vị và của cải vật chất.

2. Sử dụng chức quyền, địa vị và của cải vật chất mà Thiên Chúa ban để tạo nên phúc đức, để giúp đỡ tha nhân, cộng đồng.  

GLCG 2831 (1038) Chung quanh ta còn có những người đói vì thiếu ăn. Ðiều này mở ra cho chúng ta một ý nghĩa sâu xa hơn của lời cầu xin lương thực hằng ngày. Cảnh nghèo đói trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang thật lòng cầu nguyện phải có trách nhiệm thực tế đối với anh em, cả trong đời sống cá nhân cũng như trong tình liên đới với các gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha gắn liền với giáo huấn của dụ ngôn Người Nghèo Khó La-da-rô và dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (Mt 25,31-46).

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên - Nt . Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên C: Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên C THÁI ĐỘ DỬNG DƯNG VÔ CẢM VỚI NGƯỜI BẤT HẠNH_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên C: QUAN TÂM PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH_ Lm. Đan Vinh
     LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN (C)
     Lịch Phụng Vụ Từ Ngày 25 đến 01 Tháng 10 Năm 2016
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên B: "SỰ KHÔN NGOAN BỞI TRỜI"_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên B: “NÊN NHƯ TRẺ NHỎ”_Xuân Hạ, OMI.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên B: "NGƯỜI BÉ MỌN"_Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên B: "TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA GIÊSU"_Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên B: "THIÊN THẦN"_Lm. Jos. Quốc Huy
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên B: NGƯỜI LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ THA NHÂN_