Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 17

CHỦ NHẬT 17 TN A

NƯỚC TRỜI LÀ TẤT CẢ

tai-xuong.jpg

Đức Ki tô nhận thấy rõ tình trạng trì trệ nơi con người. Những bước chân chậm chạp uể oải khiến mọi sự dường như dậm chân tại chỗ. Trong tình hình bi đát và khẩn cấp đó, Ngài mời gọi các môn đệ phải bắt đầu lại, phải lên đường ngay. Nếu đường còn dài thì đó lại là một lí do nữa không được phép chần chừ. Chúng ta hãy xin Chúa chỉ cho chúng ta thấy Kho tàng bị chôn vùi ở đâu.

Sách 1 Vua R 3, 5.7-12

Chúng ta thấy Sa lô mông con vua Đa vít được Thiên Chúa cho phép chọn lựa nhiều ơn khác nhau. Thay vì xin được vinh quang trần thế, quyền hành trên các dân nước, được giàu sang tột bậc và trường thọ, Sa lô mông đã xin sự Khôn Ngoan. Ông muốn cai trị dân mình bằng ơn biện phân và quan tâm đến nhu cầu của họ. Thiên Chúa đã ban cho ông sự Khôn ngoan đó cùng với sự giàu sang vinh quang và tiếng tăm lừng lẩy trên tòan thế giới.

Thánh Vịnh 118

Khi tình yêu ngự trị nơi hai người, thì sự thông hiệp sẽ hoàn hảo và ngôn ngữ họ sử dụng là Chúc tụng Thiên Chúa.

Thư Rôma 8, 28-30

Thánh Phao lô nói với chúng ta rằng tình yêu là nền tảng để xây dựng các mối tương quan với Thiên Chúa, Người muốn ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần cho ơn Cứu độ. Trong chính chương trình yêu thuong, Thiên Chúa đã cho Chúa Giê su trở thành đấng Cứu độ, là Anh cả của một đàn em đông đảo mà một ngày nào đó Ngài sẽ ban cho vinh quang trong đời sống vĩnh cửu. Thật là một Tin Mừng!

Mt 13: 44-52

NGỮ CẢNH

Đây là ba dụ ngôn đặc biệt của riêng Mát thêu tiếp nối diễn từ bằng dụ ngôn của Chúa Giê su mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời (Mt 13). Hai dụ ngôn đầu mời gọi mọi người hãy tìm mọi cách chiếm hữu và và kiên trì gìn giữ kho tàng vô cùng quí giá là Nước Trời. Dụ ngôn sau cùng cho thấy một khía cạnh khác của Nước Trời: cũng như sau mẻ lưới cá lớn người ta phân loại cá như thế nào, thì đến ngày cánh chung, Thiên Chúa cũng phân biệt người lành kẻ dữ như thế. Đây là giáo huấn dành riêng cho các môn đệ là những người sẽ trở nên những nhà rao giảng đầu tiên của Nước Trời.

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục như sau:

1.Dụ ngôn kho báu chôn giấu (13, 44)

2.Dụ ngôn ngọc quí (13, 45-46)

3.Dụ ngôn chiếc lưới (13, 47-48)

4.Giải thích dụ ngôn chiếc lưới (13, 49-50)

5.Kết luận về các dụ ngôn (13, 51-52)

Qua các dụ ngôn trên, Chúa Giê su mời gọi chúng ta suy nghĩ về cơ may duy nhất mà Ngài mang lại cho chúng ta với lời loan báo Nước Thiên Chúa đang đến trong sứ vụ và bản thân Ngài. Cơ may nầy mời gọi chúng ta chọn lựa: bỏ tất cả và dứt khoát dấn thân cho Nước Trời.

TÌM HIỂU

Nước Trời giống như chuyện kho báu: Nước Trời không giống như kho báu, nhưng chuyện xảy ra cho một người tìm thấy kho báu được so sánh với điều xảy ra khi một người khám phá ra Nước Trời.

Kho báu chôn giấu trong ruộng: thời xưa, chôn của cải, kho tàng dưới đất là cách giữ của an toàn nhất, đặc biệt trong lúc chiến tranh loạn lạc. Ai đó đã chôn, rồi quên hoặc không có ai biết, và một người khác may mắn tình cờ phát hiện được.

Kho báu và viên ngọc đẹp (cc.44-46): điểm nhấn của các dụ ngôn nầy là niềm vui khi khám phá ra kho báu và viên ngọc, và việc bán tất cả những gì mình có để mua kho báu hay viên ngọc.

Chôn giấu: Nước Trời không phải là một thực tại rõ ràng như chúng ta tưởng. Các dụ ngôn trước đã cho thấy điều đó. Dù không thấy được một cách rõ ràng, Nước Trời vẫn hiện hữu. Người ta có thể bất ngờ tìm thấy, như người tìm được kho báu, hay viên đội trưởng (8,12), hay người Samari (Ga 4,9), hoặc sau một quá trình cật lực tìm kiếm.

Có người kia gặp được: Câu chuyện thật quá giản dị. Kho báu nầy không phải là vật do tổ tiên để lại, hay phải mất công tìm kiếm, hay ở một nơi bí mật. Như Nước Trời trong con người Chúa Giê su, kho báu đang nằm đấy, trước mặt con người không chủ tâm tìm kiếm này. Nhưng một khi thấy được rồi, anh ta bỏ hết mọi sự khác. Sự từ bỏ theo tinh thần Tin mừng không phải là phương thế để đạt đến Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá Nước đó.

Đi bán tất cả những gì mình có: Tìm thấy rồi, người ấy làm một điều chắc chắn khiến mọi người thắc mắc: bán tất cả mọi sự, không chừa lại gì cả. Để làm gì? Để mua thửa ruộng. Nước Trời là một kho báu đòi ta phải bỏ ra tất cả những gì mình có, kể cả bản thân, để sở hữu cho bằng được.

Chuyện thương gia đi tìm ngọc đẹp: Người nầy đi tìm những viên ngọc đẹp quí, nhưng bất ngờ được một viên đắt giá. Anh bất ngờ được một kho báu. Do đó dụ ngôn viên ngọc đẹp rốt cuộc cũng tương tự và có cùng ý nghĩa như dụ ngôn kho báu.

Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển: Cũng thế ở đây, phải hiểu Nước Trời không đồng hoá với chiếc lưới, cũng chẳng giống với cá bắt được, nhưng giống như toàn bộ công việc được mô tả. “Thả xuống biển”: lưới đã được (Thiên Chúa) thả xuống biển rồi.

Gom được đủ thứ cá: gồm mọi loại, cá tốt cũng như cá xấu, như câu 48 sẽ đề cập tới. Biển hồ Galilê nổi tiếng là có nhiều cá. Cá xấu có lẽ là thứ cá bị Luật Tora cấm ăn (Lv 11,9-12; Đnl 14,9-10), hay là cá quá nhỏ.

Tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa: Việc Nước Trời đến cách sung mãn không chấp nhận cảnh vàng thau lẫn lộn như trước nữa, và đòi hỏi phải triệt để loại bỏ sự dữ ra khỏi lòng mình.

Chúng sẽ khóc lóc nghiến răng: những kiểu nói đặc trưng của Tân Ước để chỉ tình trạng xa lìa Thiên Chúa là nguồn sự sống.

Anh em có hiểu: Chúa Giê su hỏi về tất cả những gì Người đã giảng dạy bằng dụ ngôn cho đám đông. Câu trả lời gọn gàng và dứt khoát “Thưa hiểu” cho thấy những người nầy là các môn đệ Chúa Giê su đã hỏi trước đây (c.36). Qua đó, Mt muốn ám chỉ bất cứ độc giả nào, bất cứ Ki tô hữu nào. Hiểu ở đây không chỉ là “nắm được ý nghĩa” mà còn là “chấp nhận” “và đưa vào hiện thực trong đời sống của mình”. Sống được như thế, họ sẽ trở thành môn đệ Chúa Giê su, con cái Nước Trời. Một cách nào đó, họ là kinh sư mới, những thầy dạy mới trong Nước, biết rút từ kho tàng hiểu biết của mình, cả cái cũ lẫn cái mới để thi hành sứ vụ người tín hữu.

SỨ ĐIỆP

 

Các bài đọc chủ nhật hôm nay nói với chúng ta về những người tìm kiếm kho tàng. Ngày nay có thể hình dung điều đó qua việc tranh nhau mua đồ giảm giá tại các siêu thị. Ai cũng tranh nhau đến trước khi mở cửa, và cửa vừa mở, họ ùa vào ngay chỗ mà họ đã định trước để là người trước nhất để chiếm được món đồ mà mình chọn. Chúng ta cũng thường thấy một vài người sẳn sàng bỏ ra khối tiền để mua lại sức khỏe mà họ đã không còn. Điều mà Chúa Giê su hôm nay dạy chúng ta còn quan trọng hơn nhiều. Ngài bảo chúng ta: “Anh em quyết định cõi đời đời! Hãy sám hối và tin vào tin mừng”.

Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm một kho tàng có giá trị lớn; nhưng Ngài xác định với chúng ta rằng kho tàng ấy được chôn giấu. Ngài đưa ra cho chúng ta những câu hỏi căn bản: Chúng ta làm gì trong những năm tháng được ban cho chúng ta? Đâu là ý nghĩa đích thực mà chúng ta gán cho cuộc sống của mình? Ước muốn chính yếu của chúng ta hướng đến đâu? Đâu là hạt ngọc mà chúng ta tìm kiếm? Bài tin mừng nầy nhấn mạnh niềm vui của người đã tìm thấy kho tàng. Anh ta say mê đến độ sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để sở hữu mảnh đất mà anh ta đã khám phá ra kho tàng ấy. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy rõ cái giá tuyệt vời mà anh gán cho kho tàng ấy: anh không còn có thể bỏ được nữa vì quí chuộng nó hơn tất cả mọi sự.

Sự nhiệt tình mạnh mẽ ấy muốn diễn tả giá trị siêu việt của Lời và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong một cụôc sống chính là nội dung của Nước Thiên Chúa. Trước tiên Nước Thiên Chúa là một Đấng nào đó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, soi sáng và lấp đầy bằng một niềm vui không gì sánh được. Để vào Nước Thiên Chúa, điều trước tiên phải có là thái độ ngạc nhiên khám phá Chúa Giêsu Ki tô quí giá như thế nào: nhận biết Ngài, lắng nghe Ngài, sống tin mừng của Ngài là một sự giàu có không gì so sánh được. Món quà đó của Thiên Chúa là một kho tàng và chính đức tin tìm ra nó.

Tôi nghĩ đến người thanh niên vừa đi hành hương trở về. Lúc đầu có thể là anh ta đi vì tò mò, không có mục đích nào rõ ràng cả. Nhưng trên đường đi dần dần anh đã đi vào nội tâm. Và sự tìm kiếm đã đưa anh đến sự xác tín rằng Thiên Chúa là đấng quan trọng nhất của cuộc đời mình. Cuộc hành trình dài đã đặt anh trên đường đến kho tàng ấy. Sự khám phá ấy đã đảo lộn hoàn tòan cuộc đời anh. Nước Trời mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vào là một khám phá sáng ngời như khám phá mà những người mới trở lại đã kinh nghiệm. Đó là một cơ hội phải nắm lấy. Phúc cho ai đã đi đến đó.

Tác giả Tin mừng nhấn mạnh đến sự kiện là sự lựa chọn đó không chấp nhận thỏa hiệp. Những ai đã khám phá ra kho tàng đó đều sẵn sàng bỏ hoặc bán tất cả để sở hữu cho bằng được. Họ không muốn để mất cơ hội chỉ có một lần trong cuộc sống. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng việc vào Nước Trời cần phải có một quyết định dứt khoát, một sự chọn lựa nền tảng. Đó không phải là một sự mặc cả hay điều đình. Và sự chọn lựa ấy nhất định bao gồm việc từ bỏ một điều khác. Bấy giờ câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Chúng có thực sự làm một sự lựa chọn của đức tin không?

Nhiều người Ki tô hữu vẫn còn là những người nguội lạnh, nửa vời, dấn thân cầm chừng, hay không dấn thân gì cả. Đó là khi họ tìm cách đồng hóa Nước Trời với tất cả những gì còn lại, và đôi khi với những gì ngược lại. Chính trong kinh nguyện mà chúng ta học cách khuôn mình theo Đức Ki tô và Tin mừng của Ngài. Kinh nguyện đích thực là đi tìm sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Đó là một kho tàng ẩn giấu chỉ ban cho những ai khao khát Thiên Chúa hằng sống.

Khám phá ra kho tàng và quyết tâm sở hữu chính là sự khôn ngoan mà người tín hữu phải cầu xin. Bài đọc thứ nhất nhắc lại sự lựa chọn của Sa lô mông, Thiên Chúa nói với ông

: “Hãy xin Ta điều con muốn và Ta sẽ ban cho con”. Và chúng ta đã nghe câu trả lời tuyệt vời của vị vua trẻ nầy. Ông không xin được sống lâu, không xin giàu sang, không xin tiêu diệt quân thù. Ông không xin điều gì cho mình cả, mà chỉ xin tất cả cho dân Ông: “Xin hãy ban cho tôi tờ Ngài một tâm hồn nhạy bén để biết cai trị dân của Ngài và phân biệt tốt xấu”.

Đức Maria, Mẹ Chúa Giê su là một thí dụ tuyệt vời. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời về một cuộc sống hân hoan dấn thân cho Chúa. Và thánh Phao lô cũng thế. Bị quật ngã trên đường Đa mát, ngài đã chấp nhận đoạn tuyệt với các xác tín lỗi thời của mình. Và còn biết bao nhiêu thí dụ khác trong suốt lịch sử Giáo Hội, như Thánh Phan xi cô Assisi và nhiều vị thánh khác. Ngày nay cũng thế, nhiều người đã chọn lựa dấn thân hòan toàn cho Chúa. Cuộc đời của các ngài nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa là kho tàng vô giá, xứng đáng để người ta từ bỏ tất cả để sở hữu. Dĩ nhiên chúng ta đã chọn lựa Đức Ki tô, chúng ta đã tin vào Ngài. Chúng ta đã chọn lựa về phía Đức Ki tô. Chúng ta đã chọn đúng, nhưng vẫn còn việc phải sống với Ngài. Và chính vì thế mà chúng ta phải kiên trì trang bị những cặp mắt mới, một trái tim mới, luôn luôn và không ngừng ngưỡng mộ Nước Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ còn phải chọn lựa nhiều lần theo hoặc lìa xa Chúa Giê su Ki tô. Mỗi ngày Chủ Nhật, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Thánh Thể của Ngài. Món quà Ngài ban tặng cho chúng ta chính là một kho tàng vô giá đáng cho chúng ta dấn thân cả cuộc sống để lãnh nhận. Ước gì lòng biết ơn của chúng ta càng ngày càng cân xứng với tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

ĐÀO SÂU

SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

1V 3,5.7-12 Vua Sa-lô-môn xin Thiên Chúa ban cho kho tàng đích thực

Tv 119,57 Lạy Chúa, con yêu mến luật Ngài biết bao !

Rm 8,28-30 Chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa

Mt 13,44-52 hoặc 44-46 Kho tàng chôn dấu. Hạt ngọc và lưới cá

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT. Kho tàng đích thực của con người là gì? Vua Sa-lô-môn gọi đó là sự khôn ngoan (Bđ1) còn Đức Giê su gọi là Nước Trời (BTM), nơi chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một (1V 3,5.7-12) như thế nào?

THƯA: Sa-lô-môn kế vị ngai vàng Đa-vít vào khoảng năm 937. Vừa mới lên ngôi nhà Vua đã đi hành hương đến đền thờ Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem không xa để dâng lễ vật hi tế lên cho Thiên Chúa (một ngàn con vật). Ngài cầu xin Thiên Chúa ban cho mình sự Khôn Ngoan để cai trị dân.

3. HỎI: Tại sao Sa-lô-môn xin sự khôn ngoan?

THƯA: Vì tình hình lúc ấy rất căng thẳng. Triều đại vua Sa-lô-môn khởi đầu sau rất nhiều biến động trong gia đình và âm mưu chính trị. Anh em giết nhau tranh giành ngôi báu vua Đa vít. Cuối cùng, nhờ tài ứng biến của Mẹ mà Sa-lô-môn mới đoạt được ngai vàng trước khi được hiến thánh một cách vội vã ở suối Ghíp-ôn. Để ổn định tình thế ấy, Ít-ra-ên cần phải có một vị Vua đầy khôn ngoan và cương quyết.

4. HỎI: Lời cầu nguyện của vua Sa-lô-môn dạy ta điều gì?

THƯA: Lời cầu nguyện ấy dạy ta hai điều: một là lời cầu xin đầy khiêm tốn và tin tưởng sẽ đươc Thiên Chúa nhận lời. Hai là Ngài chỉ cầu xin những khả năng cần thiết để thực hiện sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho Ngài.

5. HỎI: Thiên Chúa đã trả lời như thế nào?

THƯA: Người ban cho Vua điều Vua xin: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12). Và còn hơn nữa, Người ban cho Vua cả những điều Vua không xin: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1V3, 13).

6. HỎI: Nhờ đâu mà Sa-lô-môn được Thiên Chúa nhậm lời như thế?

THƯA: Nhờ lời cầu xin chân thành trong thái độ khiêm hạ mà Sa-lô-môn được Thiên Chúa chấp nhận và ban cho những điều vượt xa những điều Vua mong ước.

7. HỎI: Đâu là đặc điểm của một tâm hồn khôn ngoan?

THƯA: Đó là một tâm hồn có thể thường xuyên lắng nghe Lời Thiên Chúa phán. Rồi khi đã nghe, cố gắng tìm biết và nhận ra điều Người muốn thì cố gắng thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống của mình.

8. HỎI: Theo Kinh Thánh ai là người không khôn ngoan?

THƯA: Thưa đó là người không tìm nơi Thiên Chúa và Lời của Ngài những nền tảng cho cuộc sống của mình.

9. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Rm 8, 28-30) như thế nào?

THƯA: Thiên Chúa bày tỏ tình thương đối với kẻ mến yêu Ngài bằng cách tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con của Ngài và sẽ ban cho họ được vinh quang.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 13,44-52) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng nằm trong diễn từ dụ ngôn về mầu nhiệm Nước Trời (ch. 13). Sau các dụ ngôn người gieo giống, cỏ lùng và hạt cải (13,4-43), Đức Giê su nói thêm ba dụ ngôn Kho báu chôn giấu (13,44), dụ ngôn Ngọc quý (13,45-46), và dụ ngôn Chiếc lưới (13,47-48). Kế đến là đoạn giải thích dụ ngôn Chiếc lưới (13,49-50). Cuối cùng là kết luận các dụ ngôn (13,51-52).

11. HỎI: Có phải Đức Giê-su mời gọi phải đánh giá cao Nước Trời không?

THƯA: Đúng, Nước Trời là một giá trị cao cả không của cải trần gian nào sánh ví được, một giá trị mà người ta phải bán tất cả mọi sự mình có để dành lấy cho bằng được. Ngòai ra việc hiểu biết giá trị của Nước Chúa cũng là một ơn ban mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa trong lịch sử thường ẩn chứa sau những diện mạo bên ngòai.

12. HỎI: Tại sao cần phải có “ơn ban” của Thiên Chúa để có thể khám phá trong lịch sử mầu nhiệm đem lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta?

THƯA: Bởi vì “kho tàng bị giấu kín” và “viên ngọc” phải khổ công tìm mới thấy được. Chúng ta được mời gọi đi vào Nước Trời, nhưng để có thể dự phần vào niềm vui bữa tiệc cánh chung, chúng ta phải “bán tất cả” nghĩa là chúng ta phải can đảm và nhiệt thành, can đảm liều mạng sống trong việc mua chiếm hữu kho tàng hay viên ngọc đó.

13. HỎI: Tại sao Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc bán hết của cải để sở hữu kho tàng và viên ngọc?

THƯA: Đức Giê-su nhấn mạnh đến điều ấy vì muốn mời gọi mọi người phải khôn ngoan suy nghĩ để nắm bắt cơ may duy nhất xảy đến do việc Nước Trời đang tới gần trong sứ vụ và bản thân Ngài.

14. HỎI: Nhưng việc khám phá, bán hết của cải để sở hữu kho tàng và viên ngọc ấy được thực hiện một lần trong suốt đời sao?

THƯA: Người ta thực hiện một lần dứt khoát cho suốt đời, nhưng vì cuộc sống và tự do đòi hỏi, chúng ta cần phải thực hiện lại quyết tâm ấy hằng ngày.

15. HỎI: Hành động ấy có cấp bách không?

THƯA: Rất cấp bách. Vì trong dụ ngôn Nước trời được ví như chiếc lưới thả xuống biển bắt mọi thứ cá, Đức Giê-su đã cảnh báo: “Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48). Lúc bấy giờ sẽ không còn thời gian để làm bất cứ điều gì khác.

16. HỎI: Câu: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” có nghĩa gì?

THƯA: Trong phần kết luận, Đức Giê-su đề ra cho các thính giả của Ngài, mẫu gương người môn đệ lí tưởng của Nước Trời: đó là người kí lục trở thành môn đệ đấng Mê-si-a, biết rút ra từ Cựu Ước và Lời của Thầy (tức là Tân Ước) một Lời duy nhất đủ định hướng cho việc tìm kiếm Nước Trời.

17. HỎI: Kinh Thánh nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa như thế nào?

THƯA: Kinh Thánh dùng hình ảnh để nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa như một thực tại vĩnh cửu, đối nghịch với vương quốc ma quỉ hay vương quốc của thế gian nầy.

18. HỎI: Ai là người đầu tiên rao giảng Nước Thiên Chúa?

THƯA: Gio-an Tẩy giả là người đầu tiên mạnh mẽ rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

19. HỎI: Sau Gio-an Tẩy giả, Đức Giê-su tiếp tục dạy dỗ về Nước Trời?

THƯA: Đúng. Sau khi khai mạc sứ vụ qua phép rửa và trải nghiệm các cuộc thử thách trong sa mạc, Đức Giê-su  đã tiếp tục lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả, mời gọi mọi người sám hối và nhắc lại điều mà Gio-an Tẩy giả đã nói, nghĩa là Nước Trời đã đến gần (Mt 4,17). Ngòai ra, Đức Giê-su còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm kiếm Nước Trời trước bất cứ mọi điều khác (Mt 7,33). Qua sự nhập thể của Ngài, Nước Trời đã ở giữa và ở trong họ (Lc 17,17). Chỉ nhờ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, con người mới có thể đến gần Nước Trời (Lc 12,32), nơi mà các tiên tri đã chờ đợi tất cả những người đã chịu phép rửa (Lc 13,28). Và để cho mọi người có thể được cứu độ và đi vào Nước Trời Đức Giê-su sai các tông đồ và các môn đệ đi rao giảng tin mừng, chủ sự các bí tích, chữa lành các bệnh tật phần xác và phần hồn (Lc 9,2.11).

20. HỎI: Giáo Hội sơ khai cũng đã rao giảng Nước Thiên Chúa?

THƯA: Đúng. Giáo Hội sơ khai đã rao giảng Nước Trời. Tông đồ Phi-líp và Thánh Phao-lô đã rao giảng Tin mừng Nước Trời, bằng cách giải thích các biến cố dưới ánh sáng của Nước Trời (Cv 8,12; 28,13; 19,8). Còn Thánh Phê-rô thì nhấn mạnh rằng, mọi người sẽ được ơn ban đi vào Nước Vĩnh cửu (2 Pr 1,11). Nước ấy đã hiện diện một cách mầu nhiệm trong khi ngày Cánh chung sẽ hoàn thành (Kh 12,10).

21. HỎI: Kinh Thánh minh họa cho chúng ta thấy Nước Trời?

THƯA: Đúng, ngang qua nhiều hình ảnh biểu tượng, Kinh Thánh tìm cách cho chúng ta một ý tưởng về thực tại siêu thoát của Nước Trời. Đó là một nơi cực kì xinh đẹp không thể tả được, nơi Thành Thánh ngự trị, Thành Giê-ru-sa-lem mới, từ trời xuống, và sẽ là một Đền thờ bao la, được xây bằng những viên đá sống là các Thánh không ngừng chúc tụng Thiên Chúa (Kh 21,203; 10-27; Is 66,22-23). Ánh quang của Kinh Thành, của các tín hữu và của tất cả những gì mà Thiên Chúa đã dự liệu cho những người được cứu chuộc, vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng (1 Cr 2,9-10; 13,12; 1Ga 3,1-3). Kinh Thành ấy không cần đèn soi sáng, bởi vì chính Vinh quang Thiên Chúa là đèn soi thành (Kh 22,1-22,5). Tắt một lời, đó là một vương quốc của niềm vui, an bình và thờ phượng.

22. HỎI: Nước Thiên Chúa là sự sống sung mãn, không bao giờ thiếu thốn?

THƯA: Nước Trời không phải là cuộc sống hiện tại tiếp nối đến muôn thuở; cuộc sống nầy cũng có thể là hỏa ngục. Trái lại, Nước Trời là sự sống có bản tính khác biệt, không phàm trần, bất toàn, hữu hạn, đau khổ, nhưng là sự sống thần linh, hoàn hảo, sung mãn và vinh quang (Kh 21,6; Tm 4,8).

23. HỎI: Lời Chúa hôm nay gửi đến cho chúng ta sứ điệp nào?

THƯA: 1. Chúng ta được mời gọi phải khôn ngoan và nhiệt thành. Người ta có thể sống bằng nhiều cách, nhiều mức độ, với nhiều giá trị khác nhau, nhưng điều quan trọng là biết phân biệt cách sống nào tốt nhất, rồi nhiệt thành thực hiện những lựa chọn để chiếm hữu Nước Trời. 2. Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn là tìm thấy Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Đó quả là một kho tàng vô giá!

GLCG 546 2613 542. Đức Giê-su đã dùng các dụ ngôn kêu gọi mọi người vào Nước Trời. Dụ ngôn là nét tiêu biểu trong cách giảng dạy của Người (x.Mc 4,33-34). Qua các dụ ngôn, Người mời họ dự tiệc Nước Trời (x. Mt 22,1-14), nhưng cũng đòi họ phải có một chọn lựa triệt để : phải "cho đi tất cả" để có được Nước Trời ( x. Mt 13,44-45); lời nói suông chưa đủ, cần phải hành động (x.Mt 2l,28-32). Các dụ ngôn như những tấm gương nhờ đó con người nhận diện chính mình : đón nhận Lời như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mầu mỡ? ( x. Mt 13,3-9) làm gì với những nén bạc đã nhận? (x.Mt 25,14-30). Đức Giê-su và sự hiện diện của Nước Trời giữa thế gian là trọng tâm của các dụ ngôn. Phải trở nên môn đệ Đức Ki-tô mới "thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời" (Mt 13,11); còn đối với "người ngoài" (Mc 4,11) mọi sự đều bí ẩn (Mt 13,10-15).

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Trần T. Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Thứ Bảy tuần XVII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên Năm C: "LÒNG TIN CHÂN THÀNH"_ Nt Phương Trâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bẩy Tuần XVII Thường Niên C
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên Năm C: "TIN LÀ ĐƯỢC SỐNG"_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên Năm C: "SỨ GIẢ CỦA NƯỚC TRỜI"_Xuân Hạ
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên Năm C: "
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên Năm C: "Phúc vì được thấy, phúc vì được nghe"_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên C_ Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường Niên C: CẦU XIN VỚI THÁI ĐỘ CON THẢO_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN C: KINH LẠY CHA - LỜI CẦU NGUYỆN PHONG PHÚ_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông